Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

     “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em – tương lai của đất nước” là nội dung định hướng quan trọng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được nêu rõ trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Những nội dung này sẽ được tập trung triển khai trong các hoạt động của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022.

Trao tặng xe đạp và quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt của huyện Quốc Oai tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022. 

     Những thông điệp giá trị

     Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Năm nay, có 2 chủ đề được đặc biệt chú trọng trong dịp này.

     Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, chủ đề thứ nhất là “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”. Chủ đề thứ hai là “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng”. Đây là những thông điệp giá trị trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc can thiệp, xử lý hành vi xâm hại bạo lực tình dục trẻ em có nhiều điểm tích cực, nhưng công tác phòng ngừa vẫn còn hạn chế. Hay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trẻ em bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần cũng như điều kiện thụ hưởng chất lượng giáo dục. Do đó, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần chung tay hơn nữa trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

     Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong việc chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phải chú trọng phát huy vai trò của chính quyền địa phương, tăng cường kết nối với cộng đồng, gia đình, nhằm thực hiện mục tiêu chăm sóc do Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đề ra. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương, nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình.

     Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, có 7 thông điệp và khẩu hiệu truyền thông được đề cao trong dịp này, gồm: Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình; hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; số 111 – tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.

Nhân viên tư vấn của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trả lời các cuộc gọi

     Để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh

     Trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022, rất cần quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh. Hàng loạt giải pháp đã được các nhà quản lý nêu ra, bao gồm lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Để chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống bạo lực xã hội, phòng, chống tai nạn thương tích, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước…

     Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 từ ngày 26-5, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã cần phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền để cha mẹ, người chăm sóc trẻ, người dân… thường xuyên quan tâm quản lý, giám sát trẻ; phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo lực trẻ em để phối hợp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, can thiệp, hỗ trợ trẻ em kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn để phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em, nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em…

     “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” – thông điệp mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra chính là lời khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi sự quyết tâm hành động của các cấp, các ngành, sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng.

     Nguồn: hanoimoi.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *