Đưa Tây Nguyên thành trung tâm sản xuất, chế biến sâu nông sản chủ lực

     Triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, cá nước lạnh… có sức cạnh tranh cao.

Nông nghiệp là bệ đỡ

     Sáng ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết 23), ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ và xúc tiến đầu tư vùng.

     Trong Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã trình bày tham luận phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên theo hướng hiệu quả cao, hàng hóa, hữu cơ, đặc sản gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ.

     Ông cho biết, trong giai đoạn vừa qua, cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên chuyển dịch theo hướng tích cực. Cụ thể: tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn vùng giảm mạnh từ 52,3% (năm 2005) xuống còn 34,56% (năm 2020). Ngược lại, tỷ trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ du lịch có xu hướng tăng. Toàn vùng Tây Nguyên có 342 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.

     Điểm đặc biệt là trong những năm qua, một số sản phẩm nông nghiệp của vùng đóng góp tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước như cà phê, hồ tiêu, cao su… Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trực tiếp của vùng năm 2021 đạt khoảng 2,82 tỷ USD, cơ cấu ngành nông lâm thủy sản của Tây Nguyên vẫn chiếm tỷ trọng cao.

     Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, là bệ đỡ ổn định kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên. Do đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị/đơn vị diện tích.

     Hơn nữa, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, cá nước lạnh…có sức cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới; bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

Những giải pháp căn cơ

     Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, để đưa Nghị quyết 23 vào cuộc sống, trở thành tiền đề vững chắc cho định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 tỉnh Tây Nguyên cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, tuần hoàn, sinh thái gắn với vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết.

     Bên cạnh đó, phát triển và mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế trong nông nghiệp, tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng phương pháp quản lý, công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là nghiên cứu phát triển giống. Từ đó, phát triển Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế nông nghiệp xanh, thông minh, hữu cơ, tuần hoàn theo hướng hiện đại, bền vững.

     Tại hội nghị lần này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, giải pháp phát triển nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên đến năm 2030 là phải giải quyết được thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. 

     Bên cạnh đó, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản. Thúc đẩy liên kết sản xuất , hình thành các chuỗi nông sản chủ lực từ nuôi trồng đến tiêu thụ. Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, cá nhân, đơn vị xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP.

     Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Tây Nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, phải có cách thức tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân để đối phó với thách thức an ninh toàn cầu; lấy người dân làm chủ thể, trung tâm để tham gia xây dựng các chính sách; phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

     “Địa phương cần phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam và giao thông kết nối vùng; giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới, phát triển xã hội và văn hóa tương ứng, hướng đến văn minh những nơi Con đường ta đến, tiếp theo là phát triển hạ tầng y tế, giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển công nghệ, đào tạo chuyên nghiệp trong các trường đại học, phổ thông; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng gió , năng lượng mặt trời; phát triển công nghệ chuyển đổi, nông nghiệp sạch,” Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn phát biểu tại cuộc họp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *