Gần 1.000 con lợn chết sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi: Do tiêm sai đối tượng

     Ông Nguyễn Văn Long – quyền cục trưởng Cục thú ý đã cung cấp các thông tin về việc lợn bị chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi trong buổi họp báo thường niên của Bộ NNPTNT, diễn ra vào chiều ngày 5/9. 

     Theo quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, từ đầu tháng 7/2022 đến ngày 26/8, Công ty Navetco cung ứng tổng cộng 23.344 liều vaccine tới 20 tỉnh, thành phố. Bao gồm: 4.494 liều vaccine để địa phương sử dụng theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT; 17.750 liều cung ứng nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ NNPTNT hướng dẫn của Cục Thú y và 1.100 liều chưa sử dụng.

     Đến nay, những đàn lợn tiêm theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT, Cục Thú y đều phát triển tốt, với tỉ lệ chết sau tiêm khoảng 0,6%, tức là ở mức bình thường, tương tự các vaccine thú y khác. Ngoại trừ sự cố xảy ra tại Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi khiến 743 con lợn chết sau tiêm.

     Tại buổi họp báo, ông Long cho biết: Về vụ lợn chết sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty Navetco, Bộ NNPTNT và Cục Thú y đã có thông tin kiểm tra cụ thể. Nguyên nhân chính là do tiêm không đúng quy trình. Đối tượng tiêm vaccine là lợn thịt từ 8-10 tuần tuổi, nhưng người dân lại tiêm cho các loại lợn gồm cả lợn nái đang mang thai, lợn con… 

     Cộng với việc địa phương đang có dịch bệnh, có thể con lợn đang mang mầm bệnh nên khi tiêm vaccine vào gây phản ứng mạnh hơn. Chưa kể người dân tiêm không đúng liều lượng, 1 liều chia cho 4-5 con.

     Phía Navetco và thú y địa phương thực hiện không đúng yêu cầu của Cục Thú y. “Cụ thể, Navetco cung cấp vaccine nhưng không có báo cáo, không giám sát quá trình tiêm vaccine; về phía Chi cục Thú y địa phương, lẽ ra phải cung ứng trực tiếp cho người nuôi hoặc thú y cơ sở để triển khai tiêm, nhưng lại cung cấp cho đại lý, các đại lý bán tự do cho dân, trong khi hiện nay chúng ta chưa cho phép buôn bán như vậy” – ông Long nói. 

     “Hậu quả là người dân mua về tiêm cho tất cả các loại lợn. Do bán trực tiếp vaccine cho người dân, nên số lượng lợn tiêm cụ thể thế nào không nắm được. Khi xảy ra tình trạng lợn chết, các địa phương cũng không biết chính xác số liệu. 

     Theo số liệu tổng hợp, có 3 tỉnh xảy ra tình trạng lợn chết là Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, với 1.342 con lợn bị chết do người dân báo lên. Nhưng chúng tôi xác minh thì con số trên không chính xác. Có hộ đã bán chạy lợn nhưng cũng báo là chết, hoặc có hộ tiêm cho 8 con, 2 con chết, còn lại vẫn sống nhưng lại báo cáo là bị chết” – ông Long nêu thực tế. 

     Khi xảy ra vụ việc, địa phương đã khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi hoá chất tiêu độc khử trùng, thuốc để tăng cường sức khoẻ đàn lợn; Navetco cam kết trước mắt hỗ trợ lợn nái, lợn đực giống 2 triệu đồng/con; lợn thịt 1 triệu đồng/con. Như vậy là có sự chia sẻ, phối hợp khắc phục giữa công ty, địa phương và người nuôi lợn. 

     Ông Long khẳng định, Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo rõ ràng đối với tất cả các địa phương đang triển khai tiêm vaccine phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn và có giám sát, kiểm tra thường xuyên. 

     Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng lợn chết, ông Long cho biết: Đơn vị nào làm sai thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Phía công ty để xảy ra tình trạng cung ứng vaccine không đúng địa chỉ đã cam kết khắc phục; phía địa phương, Bộ đã có chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân cung ứng trực tiếp vaccine cho đại lý dẫn đến hậu quả lợn chết. Việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. 

     “Chúng tôi không muốn đổ lỗi cho người dân và thú y cơ sở, nhưng ở đây có trách nhiệm của cả 3 bên là công ty cung ứng vaccine, thú y cơ sở và người dân khi để xảy ra tình trạng cung ứng, mua bán vaccine không đúng địa chỉ… Phải đợi tiêm xong 600.000 liều để có đánh giá toàn diện xem việc sử dụng trên diện rộng có kết quả ra sao. Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm việc sử dụng vaccine cho cả các đợt sau chứ không chỉ lần này, để khi sử dụng vaccine đại trà phải đem lại hiệu quả” – ông Long nhấn mạnh. 

     Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, đánh giá đúng quy trình. Hiệu quả của vaccine không chỉ được đánh giá bởi phía Việt Nam mà cả chuyên gia Mỹ, các chuyên gia độc lập quốc tế đã có đánh giá công tác nghiên cứu đảm bảo.  

     Trong 3 lô vaccine mà Bộ NNPTNT, Cục Thú y cho phép sử dụng, đều đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc. 

     “Hiện nay đã tiêm 21.000 liều, nếu vaccine kém chất lượng thì lợn đã chết nhiều. Vụ việc vừa qua là tiêm cho lợn không đúng đối tượng” – ông Tiến khẳng định.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *