Gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo VSATTP

     Hiện nay có gần 40% số trường học có bếp ăn, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn VSATTP, việc giám sát, quản lý bữa ăn học đường cho học sinh đang còn bất cập và gặp nhiều hạn chế. Một số vụ ngộ độc thức ăn tại tường đã ảnh hưởng tới sức khỏe và khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về vấn đề ăn uống của con mình.

Chưa thực hiện tốt việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý

     Theo nguồn thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong năm học 2019 – 2020, cấp học mầm non mới chỉ có 26.392 bếp ăn/55.335 cơ sở chiếm 47,7% . Đối với cấp tiểu học mới chỉ khoảng 5.000/15.000 trường tiểu học tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó có hơn 3.300 trường học có bếp ăn, hơn 700 trường dùng suất ăn công nghiệp.

     Đặc biệt, hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

     Theo thống kê, trong năm 2020, cả nước có 90 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.254 người bị ngộ độc. Điều này đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh và tạo ra tâm lý lo lắng, hoang mang cho các bậc phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, việc tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục là rất quan trọng và cần thiết.

Nhiều đơn vị chưa chuẩn chỉnh trong khâu lên thực đơn
     Nhiều đơn vị chưa chuẩn chỉnh trong khâu lên thực đơn

     Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức bữa ăn trong trường học còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ còn thiếu thốn, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần thiết, đặc biệt các trường vùng sâu, vùng xa, miền núi. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng thực đơn chất lượng bữa ăn dinh dưỡng, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt.

     Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò và sự cần thiết của bữa ăn học đường của một bộ cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ. Nhân lực triển khai còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

     Việc tổ chức hoạt động cho bữa ăn trong căng tin trường học còn chưa có các quy định, hướng dẫn triển khai một cách khoa học. Do vậy, đã ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi dinh dưỡng hợp lý của các em học sinh.

Làm sao để có bữa ăn trường học an toàn?

     BS. Vũ Thị Thanh – Trung tâm Dinh dưỡng, BV Bạch Mai cho biết, vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định cho bữa ăn của trẻ ở trường.

     Để đảm bảo một bữa ăn chất lượng, trước tiên cần đảm bảo về khâu lựa chọn thực phẩm, khâu chế biến và khâu phân phối, thời gian bảo quản thực phẩm. 

     Nếu thực phẩm chất lượng, nhưng khâu chế biến không đảm bảo vệ sinh thì bữa ăn ở trường cũng có thể gây ra nhiễm khuẩn dễ dàng. Bên cạnh đó, thực phẩm cần được chế biến và sử dụng trong ngày. Đây được hiểu là một chu trình để đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khâu chế biến thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng
     Khâu chế biến thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng

     Với những trường hợp học sinh bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại trường, thì nhà trường và phụ huynh cần phối hợp, yêu cầu công ty cung cấp suất ăn cho học sinh tuân thủ đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần chú trọng thực hiện đánh giá, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các loại test của Bộ Công an.

     TS.BS. Vũ Thị Thanh nhấn mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tức là thực phẩm có hạn sử dụng, không có chất bảo quản.

     Đối với bếp ăn bán trú tại các trường học nhất thiết phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên và đều đặn hàng ngày. 

     Đối với khâu chế biến, cần tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo dụng cụ sạch sẽ theo quy định. Khâu chia suất ăn phải đúng, đủ và phải đảm bảo thời gian an toàn trong việc chia suất ăn.

     “VSATTP là vô cùng quan trọng. Nếu thức ăn không đảm bảo, trẻ rất dễ sẽ bị rối loạn tiêu hóa . Khi đó, các con sẽ đau bụng, đi vệ sinh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Từ đó, mất giờ học, không tiếp thu bài được các bài giảng trên lớp. Vì vậy, mỗi trường học cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm một cách kỹ càng. Tùy từng trường, tần suất kiểm tra có thể là ngẫu nhiên hoặc định kỳ”.

     Ngoài ra, TS.BS. Vũ Thị Thanh lưu ý thêm, đối với những trẻ có vấn đề về thể tạng như thừa cân béo phì hay suy dinh dưỡng hoặc bệnh lý cần ăn uống kiêng khem, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và cô trông trưa để các cô nhắc nhở trẻ, hỗ trợ trẻ ăn uống đảm bảo cân bằng dưỡng chất một cách tốt nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *