Hà Nội: Nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

     Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng nhưng vô cùng phức tạp do dân số đông và thị trường đa tầng, đặc biệt trong dịp Tết, lễ hội đầu năm khi nhu cầu của người dân gia tăng đột biến.

Thành lập hàng trăm đoàn thanh, kiểm tra

     Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có: 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Với số lượng lớn và tính chất đa dạng của thị trường, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều bộ, ban, ngành nhằm duy trì, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô, đặc biệt là trong dịp lễ hội đầu năm.

     Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong chia sẻ, trong thời gian qua, thành phố thành lập hàng trăm đoàn thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt tập trung vào kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội đầu Xuân 2023. Trong đó tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường và các chủng loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bữa ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở thực phẩm trong chợ, cơ sở sản xuất rau an toàn, kinh doanh trái cây….

     Tính riêng trong tháng 1/2023, cơ quan chức năng thành phố đã thanh, kiểm tra tổng số 5.042 cơ sở, trong đó có 4.522 cơ sở đạt, vi phạm 520 cơ sở, phạt 296 cơ sở (tổng số tiền phạt là 1.306.252.000 đồng), nhắc nhở 182 cơ sở, cảnh cáo 42 cơ sở.

     Sau dịp nghỉ Tết kéo dài, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhận định, các đơn vị sự nghiệp, trường học tiếp tục quay lại làm việc kéo theo nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn bếp ăn tập thể, đặc biệt là với đối tượng học sinh mầm non và tiểu học. Do đó, việc nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cũng là mục tiêu trọng tâm được thành phố quan tâm trong những năm qua.

     “Học sinh là đối tượng dễ tổn thương nhất, bởi vậy, chúng tôi tập trung kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhóm này. Trong năm 2023, chúng tôi cũng đã có kế hoạch mở rộng kiểm tra, giám sát với các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Theo đó, thành phố xây dựng kế hoạch duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại địa phương, kết quả đạt được 20/20 bếp ăn tập thể trường học đã có cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm” – ông Đặng Thanh Phong chia sẻ.

Cẩn trọng chọn lựa và sử dụng thực phẩm

     Trong quá trình triển khai hoạt động và kiểm tra an toàn thực phẩm, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho hay, Chi cục cũng như các đoàn liên ngành ghi nhận nhiều khó khăn còn tồn tại, trong đó, những hạn chế, bất đồng trong các văn bản pháp lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều khó khăn cho đoàn kiểm tra cũng như các đơn vị kinh doanh.

     Thực tế, Luật An toàn thực phẩm quy định về thủ tục và thời gian cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn nhiều chồng chéo, không rõ ràng, gây hiểu nhầm và khó khăn cho cả cơ sở kinh doanh và người thực thi. Cùng với đó, thực trạng thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm cũng đã gây bất lợi cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện tự công bố sản phẩm, khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

     Theo phản ánh của ông Đặng Thanh Phong, với đặc trưng thị trường đa tầng và thị trường ngách phát triển, việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại từng cơ sở là rất khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện chính các chủ cơ sở chưa có nhận thức rõ ràng về điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh.

     Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thành phố đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý chưa cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, VietGHAP, GMP, HACCP, ISO 22000… Một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và tiềm ẩn khả năng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong dịp năm mới và dịp lễ hội đầu năm, khi nguồn cầu tăng vọt.

     “Theo truyền thống của người Việt, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tuy nhiên, trong không khí lễ hội tấp nập đầu năm, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng với việc chọn lựa và sử dụng thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ và có một mùa lễ hội trọn vẹn, an toàn” – lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *