Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây vải theo tiêu chuẩn VIETGAP

       Vải thiều là giống quả được nhiều người ưa thích bởi quả chín có hương vị ngọt, ngon. Ngoài ra vải có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đường ruột, bổ não. Trồng vải không chỉ ra quả mà còn là nguồn cung cấp cho chế biến. Dưới đây là Kỹ thuật canh tác cây vải theo tiêu chuẩn VIETGAP để bà con nông dân có được mùa vụ đạt năng suất chất lượng nhất.

Tình hình chung về thị trường tiêu thụ quả vải

       Thị trường trong nước luôn được coi là trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có. Vải thiều được tiêu thụ toàn quốc với tổng lượng tiêu thụ nội địa chiếm 50% tổng sản lượng. Trong đó, riêng thị trường phía Nam tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa. Theo kết quả điều tra mức tiêu thụ vải trong nước hiện nay trung bình 2,1 kg/người/năm.

       Dự báo, về dài lâu, nhờ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), rau quả Việt có nhiều cơ hội sự bứt phá cao và bền vững tại các thị trường mới, thay vì lệ thuộc lớn vào Trung Quốc.

       Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào qua EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường EU khá “khó tính” với các quy định về kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm,.. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc.

Tình hình chung về thị trường tiêu thụ quả vải

Phân bố vùng trồng chính cây vải

       Vải là loài cây ăn quả chủ lực của nước ta. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2019 tổng diện tích vải của cả nước đạt trên 56 nghìn ha với năng suất trung bình 51.0 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 270 ngàn tấn, đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Diện tích vải tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên.

       Cây vải có thể trồng được ở hầu hết các tỉnh Bắc và các vùng có mùa đông lạnh như trong tây Nguyên. Tuy nhiên, các vùng chính có điều kiện thuận lợi cho trồng vải ở nước ta bao gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, và một số vùng ở Tây Nguyên như Đắk Lắk.

Kỹ thuật canh tác cây vải theo tiêu chuẩn VIETGAP 

  1. Lựa chọn khu vực sản xuất

       + Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp từ 21-25 độC. Nếu nhiệt độ 0 độC đối với giống chín muộn và 4 độC  đối với giống chín sớm thì cây vải ngừng sinh trưởng.

       + Ánh sáng: Cây vải là cây ưa sáng, tổng số giờ chiếu sáng trong năm khoảng 1.800 giờ là

thích hợp cho vải. Ánh sáng đầy đủ làm tăng khả năng đồng hóa, xúc tiến quá trình phân hóa mầm hoa, tăng màu sắc của vỏ quả và làm tăng phẩm chất quả. Thiếu nắng sẽ làm cây mọc yếu, quả nhỏ, khó đậu quả.

       + Lượng mưa và độ ẩm: Mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả của vải. Thời kỳ nở hoa gặp mưa rét khiến cho hạt phấn phát dục kém, quá trình thụ phấn bị ảnh hưởng. Mặt khác mưa ẩm làm phát sinh nhiều nấm bệnh trên cây dẫn đến giảm tỷ lệ đậu và tăng tỷ lệ rụng quả. Thời gian vải chín, nếu gặp mưa sẽ ảnh hưởng  đến năng suất cũng như chất lượng quả do quả dễ bị nhiễm bệnh, nứt vỡ gây thối hỏng

       + Gió: Gió hỗ trợ hoa thụ phấn, thụ tinh. Khi thiết kế vườn trồng cần phải chọn đất và thiết kế đai rừng chắn gió, quá trình chăm sóc nên cắt tỉa thường xuyên để cây có tán thấp.

       + Đất: Cây vải có tính thích nghi cao, nhưng cần đất có sự thoát nước tốt. Loại đất thích hợp nhất cho cây vải là đất phù sa có tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Vùng đất trũng cũng có thể trồng được vải, nhưng phải làm luống cao, có rãnh thoát nước.

Kỹ thuật canh tác cây vải theo tiêu chuẩn VIETGAP 

  1. Giống và vật liệu trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP:

       Cây giống vải được nhân giống bằng 2 phương pháp ghép hoặc chiết cành và phải được nhân ra từ cây đầu dòng hoặc từ vườn cây đầu dòng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và công bố lưu hành.

       Riêng giống được nhân bằng phương pháp ghép: Cây giống được trồng trong túi bầu polyetylen có đường kính 10-12cm, chiều cao 22-25 cm. Cây giống có tuổi tính từ khi ghép đến khi xuất vườn không quá 18 tháng (gieo hạt đến ghép 10-12 tháng, ghép đến xuất vườn 4-6 tháng). Cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, không có các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại.

  1. Chuẩn bị vườn trồng: 

       Công việc chuẩn bị cần được tiến hành trước khi trồng 1 tháng, để đỡ công chăm sóc sau trồng và thuận với thời gian sinh trưởng của cây, thời điểm trồng thích hợp là vụ xuân tháng 2 – 4 và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch.

       – Đào hố trồng vải phải dựa trên nguyên tắc: đất xấu đào hố to, đất tốt đào hố nhỏ. Thông thường kích thước hố: dài x rộng x sâu là: 0,8cm x 0,80m x 0,6cm, vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là: 1m x 1m x 0,8m.

       – Bón lót: lượng phân bón lót cho 1 hố: 30-50 kg phân chuồng; 0,7-1,0 kg supe  lân; 0,5 kg vôi bột. Toàn bộ lượng phân này được trộn đều với lớp đất đào từ hố lên rồi sau đó lấp lại xuống hố trồng.

  1. Trồng cây

       – Khơi một hố nhỏ chính giữa hố đào, xé bỏ túi bầu và nhẹ nhàng đặt cây xuống hố, đặt bầu cây giống vào sao cho mặt bầu bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 – 3 cm, lấp đất và dùng tay nén chặt xung quanh gốc.

       – Cắm cọc và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh gió lay đứt rễ. Dùng đất mặt xung quanh hố trồng vun vào xung quanh gốc cây tạo thành ụ hình lòng chảo, có đường kính khoảng 1m, gờ xung quanh cao cao khoảng 20 – 25cm so với mặt vườn.

  1. Chăm sóc sau trồng

       Sau khi trồng xong, cắm cọc giữ cho gió khỏi lay gốc và tưới đẫm nước, tủ gốc nhằm giữ ẩm cho cây và hạn chế cỏ dại bằng rơm rạ hoặc cỏ khô. Trong tháng đầu tiên, cứ 2 ngày tưới nước bổ sung một lần. Các tháng tiếp theo, chu kỳ tưới thưa dần và phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng trời nắng to cần phải tưới liên tục và có biện pháp che nắng cho cây.

Chăm sóc sau trồng

  1. Một số quy định về quản lý phân bón, hóa chất bổ sung trong sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP

       – Phải sử dụng phân bón và chất bổ sung được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.

       – Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của cây dứa, kết quả phân tích các chất dinh  dưỡng trong đất theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.

       – Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì, nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.

       – Một số loại phân bón và chất bổ sung như: Amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.

  1. Kỹ thuật tưới nước cho cây vải theo VIETGAP:

* Tưới nước cho cây vải thời kỳ kiến thiết cơ bản:

       – Năm thứ nhất: Tưới định kỳ với các chu kỳ 1 tuần tưới 1 lần (với 1 lần tưới đậm đến 1 lần tưới qua để giữ ẩm gốc).

       + Lượng nước tưới cho cây: Tùy theo độ ẩm của đất, lượng nước tưới đậm khoảng từ 10-15 lít/cây; tưới qua: 5-10lít/cây. Nếu trời có mưa, tiến hành tưới sau mưa 1 tuần đến 10 ngày tùy theo lượng mưa nhiều hay ít.

       – Năm thứ 2-3: Tưới định kỳ với các chu kỳ 2 tuần tưới 1 lần. Lượng nước tưới 15- 20lit/cây. Nếu trời có mưa, tiến hành tưới sau mưa 1 tuần đến 10 ngày tùy theo mức độ giữ ẩm của đất.

       + Vào các thời kỳ nắng nóng kéo dài, cần điều chỉnh chu kỳ tưới tránh để cây có hiện tượng héo.

* Tưới nước cho cây vải thời kỳ kinh doanh:

       Trong điều kiện các vùng trồng vải ở miền Bắc, lượng mưa trong thời gian này khá nhiều, độ ẩm ở tầng đất sâu khá ổn định. Do đó, khi đất mặt khô chỉ cần tưới một lượng nước vừa phải.

       Trong các tháng 11 – 12, cây không cần nhiều nước. Chỉ cần tưới khi đất khô hạn kéo dài làm cho  cây có hiện tượng héo hoặc đất quá khô. Lượng nước tưới chỉ để duy trì cho cây không bị rụng lá.

       Trong thời gian cây vải ra hoa là giai đoạn cây cần nhiều nước để giúp hoa ra đồng loạt và phát triển tốt. Trong điều kiện miền Bắc, cần tưới đủ nước ngay khi cây vải nhú giò hoa. Nếu thời tiết có rét đậm, rét hại, vào sáng sớm, phun nước lên tán cây để rửa lớp sương giá. Vào giai đoạn hoa nở, khi sau mỗi khi trời mưa, cần rung cây để làm cho nước trên chùm hoa và các hoa đã tàn rụng xuống, tạo điều kiện cho chùm hoa nhanh khô, tăng cường khả năng tung phấn của hoa, tránh tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh gây hại trên hoa.

       Trong giai đoạn mang quả, công tác tưới nước, duy trì độ ẩm cho cây trong giai đoạn này có vai trò quan trọng. Nó cũng là biện pháp ứng phó hiệu quả đối với điều kiện bất thuận do BĐKH gây ra.

       Trong giai đoạn quả vào chín (bắt đầu từ đầu tháng 6), cây vải không cần nhiều nước. Thừa nước cộng với điều kiện nắng nóng trong tháng 6 có thể gây ra hiện tượng nứt quả vải, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển, gây hại trên quả.

  1. Cắt tỉa

* Cắt tỉa cho cây vải thời kỳ kiến thiết cơ bản:

       – Đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép:

       + Khi cây có chiều cao 0,8 – 1,0m, tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 1 hoặc cành cấp 2.

       + Khi cành cấp 1 hoặc cấp 2 phát sinh và sinh trưởng được 50 – 70cm, tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2 hoặc cấp 3 cứ như vậy đến khi cây có bộ khung đến cành cấp 3 phân bố đều.

       – Đối với cành chiết, chọn để lại 2 – 3 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài 50 – 70cm tiến hành bấm ngọn để tạo cấp cành tiếp theo như đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép.

Cắt tỉa

* Cắt tỉa cho cây vải thời kỳ kinh doanh:

       – Cắt tỉa lần 1: Thời điểm sau thu quả 10 ngày. Sau khi tập trung nuôi quả, sau thu hoạch, cây gần như suy kiệt. Do đó, cây cần bộ tán lá cũ để hô hấp, phục hồi lại sức sinh trưởng trong một thời gian. Việc cắt tỉa nên được thực hiện sau 10 ngày kể từ khi thu hoạch xong.

       – Cắt tỉa lần 2:

       + Cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng đầu tháng 8 âm lịch). Thời điểm này, cây vải được chăm sóc tốt đã ra được hai đợt lộc. Việc cần giai đoạn này là thúc cho đợt lộc 3 ra sớm để thành thục vào giữa đến cuối tháng 10 bằng cách kết hợp với tưới nước.

       + Công việc cắt tỉa chủ yếu là loại bỏ toàn bộ các cành mọc trên thân (đối với cây có bộ tán ngoài khép kín) và tỉa các nhánh nhỏ, khuất của bộ tán bên ngoài. Đối với các cây có bộ tán thông thoáng (dự định làm quả trong thân), tỉa thưa các chồi mọc trên thân và loại bỏ các cành nhỏ, yếu, không nhận đủ ánh sáng. Các chồi còn lại được cắt chỉ để lại 1 – 2cm ở chân lộc đầu tiên sau cắt tỉa đợt 1.

       – Cắt tỉa lần 3:

       + Sau khi cây vải tắt hoa được 7 – 10 ngày, bước vào giai đoạn quả non. Giai đoạn này cây vải đã hình thành nên bộ tán lá khá dầy. Nhiều cành lá che khuất nhau. Nếu thời tiết thuận lợi, cây vải sẽ đậu rất nhiều quả. Nếu để nguyên không tỉa bớt, quả sẽ chậm lớn và nhỏ và không đều.

       + Do vậy, giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục loại bỏ các cành lá nhỏ bị che khuất để giảm hô hấp vô hiệu (làm tiêu hao dinh dưỡng), cần tỉa bỏ bớt các chùm quả thưa (ít quả).

  1. Thu hoạch và bảo quản quả theo quy định VIETGAP:

       – Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly với thuốc BVTV, có biện pháp kiểm soát, tránh xâm nhập của động vật

       – Nơi bảo quản cần sạch sẽ, ít nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm tránh nhiễm khuẩn chéo sản phẩm trước và sau sơ chế. Đánh dấu đầy đủ thông tin để đảm bảo trích xuất

       – Hướng dẫn nhân công về vệ sinh, quy trình thu hoạch, không sử dụng trẻ em và phụ nữ mang thai thu hoạch quả

       – Khi thu hoạch không để sản phẩm tiếp xúc với nước sông/mương và mặt đất, phải trải bạt để đảm bảo vệ sinh, tránh tổn thương

  1. Quy định quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất theo VIETGAP

       – Không tái sử dụng bao bì, thùng chứa lẫn hóa chất với sản phẩm

       – Vỏ bao, thuốc BVTV sau khi sử dụng thu gom, xử lý theo quy định

       – Rác thải trong quá trình sản xuất, sơ chế, chất thải từ nhà vệ sinh phải thu gom và xử

       lý đúng quy định và có kế hoạch tái chế phù hợp

Quy định quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất theo VIETGAP

       Trên đây là kỹ thuật canh tác cây vải theo tiêu chuẩn VIETGAP mà Hafiquacen tổng hợp, chúc bà con canh tác tốt, năng suất cao!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *