Nhiều giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La

     Vừa qua, thành phố Sơn La đã họp bàn đánh giá thực trạng để đưa ra các giải pháp liên quan đến chọn giống, trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ. Tất cả vì mục đích giúp cho cà phê trên địa bàn phát triển một cách bền vững và có giá trị hơn. 

Cây cà phê đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân

     Từ những năm 1900, cây cà phê đã được trồng tại thành phố Sơn La. Với hơn 30 năm phát triển, cà phê ở đây đã dần khẳng định được vị thế. Thể hiện là cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, loại cây này cũng rất phù hợp với điều kiện thiên nhiên của địa phương nên dễ dàng trồng trọt. 

     Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Thành phố Sơn La là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Sơn La với gần 5.000 ha cà phê, trong đó, trên 4.500 ha đang cho thu hoạch; sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 60.000 tấn quả tươi và thành phố có khoảng 8.000 nông hộ thâm canh cà phê. Đến nay, thành phố Sơn La đã hình thành được mối liên kết giữa hơn 1.500 hộ nông dân với DN, HTX trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, RA.

     Nhiều DN, HTX được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La và được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Vì vậy, đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, được thị trường chấp nhận và đánh giá có chất lượng cao tương đương các nước trồng cà phê lớn trên thế giới. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông trồng trồng cà phê, có hộ gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng một năm có hộ thu cả tỷ đồng.

     Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La còn gặp một số khó khăn như: diện tích cây cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao, việc thâm canh sản xuất chưa đúng kỹ thuật, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Cùng đó, việc phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò là đầu mối cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên; kết cấu hạ tầng cho vùng định hướng phát triển cà phê tập trung còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất…

     Bên cạnh đó, việc hình thành phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê còn hạn chế; các liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với DN, HTX đã được hình thành nhưng chưa chặt chẽ; nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa.

Đưa ra nhiều giải pháp phát triển cây cà phê bền vững

     Ông Hà Trung Chiến – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Để cây cà phê phát triển bền vững, thực sự đưa lại thu nhập cho người dân, thành phố Sơn La đà đưa ra nhiều giải pháp như: Ghép cải tạo đối với vườn cà phê cây sinh trưởng bình thường nhưng cho quả ít, quả nhỏ, không đồng đều; Sử dụng các giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận, được phép sản xuất kinh doanh, có nguồn gốc rõ ràng.

     Cần tập trung đầu tư phát triển cà phê đặc sản tại địa bàn các xã có điều kiện đất đai, tự nhiên tốt. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu Cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững bảo đảm chất lượng. Hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững được chứng nhận. Hướng dẫn các hộ bón phân cân đối, hợp lý, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng lượng phân bón hữu cơ và hạn chế dùng các loại hóa chất; thu hái quả Cà phê đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn (chỉ thu hái quả chín, không hái quả xanh, tỷ lệ quả chín thu hái đạt trên 95%).

     Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, khuyến công; các chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất Cà phê. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học mới trong phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh. Xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận.

     Tăng cường hoạt động xuất khẩu Cà phê gắn với tập trung tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số. Tăng cường kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản sản phẩm; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, phân bón. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế Cà phê gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Hướng dẫn các cơ sở dùng chế phẩm sinh học để xử lý vỏ Cà phê sau sơ chế nhằm cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào sản xuất trong cụm công nghiệp.

     Cũng theo Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sơn La: Mục tiêu của thành phố Sơn La đến năm 2025 gồm các mục tiêu chính: Duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất Cà phê nhân đạt từ 2 – 2,5 tấn Cà phê nhân/ha. Hằng năm, dự kiến xuất khẩu 9.000 – 11.000 tấn Cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ,… Tập trung tiêu thụ các sản phẩm Cà phê tiêu dùng, Cà phê chế biến sâu tại thị trường trong nước, trong tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường.

     Phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha, ghép cải tạo 1.350 ha. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh, với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất Cà phê đặc sản, Cà phê chất lượng cao; 3.000 ha cây Cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ; xây dựng 01 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại xã Hua La. Thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế, chế biến Cà phê vào cụm công nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *