Nông nghiệp an toàn và nông nghiệp hữu cơ, chọn cách nào?

     Sự phổ biến của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về khái niệm nông nghiệp hữu cơ và lựa chọn phương pháp sản xuất thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay đang là một vấn đề được quan tâm.

Phân biệt rõ nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp an toàn

     Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức canh tác sản xuất các sản phẩm sạch và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, có những quan điểm cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ đơn thuần là không sử dụng hoá chất trong quá trình canh tác. Điều này là không chính xác vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn yêu cầu tuân thủ nhiều điều kiện khác nhau để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng có sự nhầm lẫn giữa sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất nông nghiệp an toàn. Sản xuất nông nghiệp an toàn vẫn được phép sử dụng một số loại hoá chất trong quá trình sản xuất, tuy nhiên với liều lượng hợp lý và tuân thủ tiêu chuẩn đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường.

     Thực trạng hiện nay về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở tình trạng báo động và là một thách thức lớn đối với đất nước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn. Nhưng, cũng có những ý kiến và quan điểm lại coi NNHC gần như là biện pháp cứu cánh để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra chủ trương đẩy mạnh sản xuất NNHC một cách chưa hợp lý.

     Trường hợp này có thể có sự nhầm lẫn giữa NNHC và sản xuất nông nghiệp an toàn mà không biết rằng sản xuất NNHC phải đảm bảo các điều kiện rất nghiêm ngặt đã được quy định như đất canh tác không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép; đất canh tác chưa kinh qua sử dụng phân hoá học. Nếu đã bón phân hoá học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là 3 năm đó liên tục không được bón bất kỳ một loại phân hoá học nào và các loại hoá chất khác, như thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản…

     Khu vực canh tác NNHC phải được cách ly nguồn nước bẩn, nước ô nhiễm, nhất là ô nhiễm do sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật và các nguồn nước bẩn khác…Thực hiện đúng các điều kiện như nói ở trên thì sản phẩm được sản xuất ra mới được gọi là sản phẩm hữu cơ.

Nên chọn phương thức sản xuất nào hiện nay?

     Có thực tế cho thấy, cả trong và ngoài nước, phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ có năng suất của các loại cây trồng giảm dưới 30%, điều này được giải thích bằng cơ sở khoa học về sinh lý dinh dưỡng của cây trồng. Từng loại cây trồng có nhu cầu khác nhau về khối lượng và tỉ lệ các thành phần dinh dưỡng như đạm, lân, kali (N, P, K). Ngoài ra, việc giảm năng suất còn dẫn đến tăng chi phí và giá thành sản phẩm hữu cơ tăng lên khoảng 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường tự do. Điều này khiến giá bán sản phẩm hữu cơ cao hơn gấp 3-4 lần hoặc thậm chí hơn nữa.

     Câu hỏi đang đặt ra khi nói đến phát triển NNHC là trong điều kiện đất hẹp người đông, dân số tăng bình quân hàng năm khoảng 1,05% thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cả hiện nay và lâu dài liệu có đảm bảo an ninh lương thực được không? Từ đó chúng ta chọn phương thức canh tác năng suất cao và không ảnh hưởng đến môi trường (sản xuất nông nghiệp an toàn, theo các tiêu chuẩn GAP…) hay chọn phương thức canh tác NNHC năng suất cây trồng giảm trên dưới 30%. Thực chất, phương thức sản xuất NNHC chỉ là một phân khúc trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Từ đó, theo người viết bài này, chúng ta không nên quá coi trọng phát triển NNHC và không thể coi trọng NNHC trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia.

     Đặc biệt cần lưu ý rằng, nước ta là nước đang phát triển, mức thu nhập theo đầu người còn thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN và kém xa so với các nước phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *