Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học ở Bắc Kạn: Mở hướng chăn nuôi lớn, bền vững

Thay đổi tư duy sản xuất

     Từ trước đến nay, các hộ nuôi gà tại Bắc Kạn chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống. Việc nuôi gà theo hình thức này mang lại hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí gà dễ bị bệnh.

     Thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà mía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã Nông Thượng và phường Sông Cầu, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn”, Hội Nông dân (ND)tỉnh Bắc Kạn đã cấp phát 3.450 con gà giống cùng 6 tấn thức ăn cho 15 hộ dân thực hiện dự án. Được biết, tổng số thức ăn dự án cấp cho các hộ dân nuôi gà là 16.650kg, được chia làm 2 giai đoạn. Ngoài ra, 7,5kg chế phẩm vi sinh sẽ được Hội ND tỉnh Bắc Kạn cấp phát trong tháng 9.

     Cùng với đó, Hội ND tỉnh Bắc Kạn đã mở lớp tập huấn cho các hộ dân thực hiện dự án, giúp các hộ nắm bắt kỹ thuật, phương pháp, cách thức sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong việc nuôi gà mía thương phẩm.

     Bà Trần Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi gà mía thương phẩm theo hướng an toàn sinh học” giúp người dân có sự chuyển biến về nhận thức, thấy được lợi ích rõ rệt từ việc chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

     “Dự án tạo điều kiện để người dân làm quen với những tiến bộ công nghệ mới, làm quen với việc phối hợp giữa các hộ trong ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trong tiêu thụ, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững” – bà Hương cho biết thêm.

     Cũng theo bà Hương, dự án sẽ góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh cũng như tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, hình thành và phát triển sản phẩm OCOP có giá trị đặc trưng riêng của TP.Bắc Kạn.

     Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người dân thay đổi sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất theo tập quán sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể hơn, dự án sẽ tạo ra sản phẩm thịt gà nuôi chất lượng cao, khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn thịt/năm, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Niềm vui của hội viên nông dân

     Tại điểm phát gà ở xã Nông Thượng (TP.Bắc Kạn), các hội viên nông dân hăm hở đến nhận gà, trên mặt ai ai cũng những là nụ cười rạng rỡ. Anh Hoàng Thế Anh (thôn Nà Diểu, xã Nông Thượng,TP.Bắc Kạn) cho biết, gia đình anh được nhận 210 con gà mía, khi nhận gà cũng đồng thời được các cán bộ Hội ND tỉnh hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc.

     “Chúng tôi thực sự rất vui khi được tham gia dự án, chuồng trại cũng đã được gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ nhận gà là thả thôi. Ngoài nhận gà, chúng tôi còn được nhận cám cũng như được tập huấn kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh trong việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học” – anh Hoàng Thế Anh chia sẻ.

     Chị Đặng Thị Hương (thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, TP.Bắc Kạn) cho hay, từ nhiều ngày trước đó, gia đình chị đã tập trung xử lý, chuẩn bị chuồng trại: “Chuồng úm, thuốc thang cũng đã được chuẩn bị sẵn rồi. Chúng tôi hy vọng sau khi được tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của việc nuôi gà sẽ được nâng cao, đồng thời đảm bảo được môi trường cũng như hạn chế bệnh tật ở đàn gà”.

     Được biết, thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Tuy nhiên, các mô hình về tổ chức sản xuất liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả trên địa bàn còn ít và chưa được nhân rộng, chưa đáp ứng được với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh.

     Riêng tại TP.Bắc Kạn, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm đã đạt được những thành tích đáng kể về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Tuy nhiên các mô hình chăn nuôi còn khá manh mún, quy mô nhỏ, việc áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào chăm sóc và sản xuất còn hạn chế, đặc biệt thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng lớn tới việc nâng cao giá trị sản phẩm.

     Bà La Thị Thúy Hường – Chủ tịch Hội ND phường Sông Cầu (TP.Bắc Kạn) cho biết, trước đây các hội viên nông dân ở phường thực hiện nuôi gà chủ yếu theo hình thức tự cung tự cấp, phục vụ gia đình là chủ yếu. “Có một số hộ cũng đã nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng cũng chưa thực sự bền vững do dịch bệnh và giá cả thị trường không ổn định. Với dự án mới này, Hội ND phường kỳ vọng sau khi triển khai, các hội viên nông dân sẽ thực hiện với quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng hàng hóa” – bà Hường cho hay.

     Lãnh đạo Hội ND phường Sông Cầu thông tin, các hộ được lựa chọn thực hiện dự án lần này là các hộ có kinh nghiệm, có đất đai, chuồng trại đảm bảo, có nguồn lao động để có thể thực hiện một cách có hiệu quả; từ đó tuyên truyền cho các các hộ dân tập trung sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

     “Về đầu ra sản phẩm, trước mắt phục vụ thị trường địa phương, cùng với đó thông qua các kênh của tổ chức Hội ND sẽ quảng bá sản phẩm để nguồn đầu ra được đảm bảo. Dự kiến, Hội sẽ thành lập tổ hợp tác để các hộ giao lưu, chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi cũng như quảng bá sản phẩm của mình” – bà Hường cho biết thêm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *