Ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hà Nội “bứt tốc”

     Dựa theo số liệu đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên tổng sản phẩm nông nghiệp của thành phố đạt khoảng 35%. Căn cứ trên kết quả này, Hà Nội dự kiến và tiến hành khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng CNC, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Xu thế tất yếu

     Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng CNC, ứng dụng chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Đây cũng là lý do vì sao thời gian qua, Hà Nội luôn tích cực, chủ động trong việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp.

     Điều này đã thể hiện rõ ở con số đạt được, năm 2016-2020, trên địa bàn thành phố đã có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sẵn và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

     Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC cũng đã có mặt ở hầu hết các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp. Các huyện tập trung nhiều nhất đó là:  Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

     Các doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa; có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế – tiêu thụ nông sản.

     Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc mở rộng ứng dụng CNC trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ nông sản.

     Hiện nay, thành phố mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Về mô hình ứng dụng đồng bộ CNC trong sản xuất rất ít ỏi, mới chỉ có 2 mô hình sản xuất rau (tại huyện Thanh Trì và Đan Phượng); 2 mô hình sản xuất hoa (tại huyện Đan Phượng và Chương Mỹ), 1 mô hình sản xuất lúa (huyện Thanh Trì); 1 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Còn nhiều việc phải làm

     Nói về lộ trình và quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Thủ đô, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội – Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành cần chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm.

     Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.

     Trong thời gian tới, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu để thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

     Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố.

     Đồng thời tiếp cận và làm chủ một số CNC để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *