Những điều cần biết về các loại biến thể COVID-19 hiện nay tại Việt Nam

         Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, những biến thể của COVID-19 đang từng ngày đe dọa nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của hàng loại quốc gia trên thế giới hiện nay. Virus Corona liên tục đột biến tạo ra những biến thể mới với tốc độ lây lan kinh hoàng khiến số ca mắc và tử vong tăng nhanh đến chóng mặt. Vậy có bao nhiêu biến chủng virus Corona hiện nay? Biến thể virus Corona nào nguy hiểm nhất?

Virus Corona là gì?

         Virus Corona là một họ virus lớn gồm nhiều chủng loại virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp của động vật có vú, bao gồm cả con người. Đây là một bệnh gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như cảm lạnh thông thường, mệt mỏi, viêm phổi, suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc các bộ phận khác trong cơ thể, khiến người bệnh tử vong.

Biến chủng COVID-19 là gì?

         Biến chủng virus Corona là “thuật ngữ” để miêu tả biến thể của virus Corona khác biệt với các virus đồng loại của nó một cách đáng kể. Sự khác biệt này được thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng) của virus SARS-CoV-2.

Các loại biến thể COVID-19 hiện nay

         Hiện có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.

1 – Biến thể virus Corona Anh (Dòng B.1.1.7 – hay còn gọi là biến thể 20B/501Y.V1)

         Biến thể B.1.1.7, còn được gọi tên khác là Alpha, được phát hiện lần đầu tiên tại Vương quốc Anh, trở thành chủng virus rất phổ biến ở thành phố Luân Đôn và vùng đông nam nước Anh. Đây cũng là biến chủng đánh dấu cho đợt bùng phát Covid-19 mới của toàn cầu vào cuối năm 2020. Đến nay, hơn 100 quốc gia đã có người nhiễm biến chủng B.1.1.7, trong đó có Việt Nam.

         Biến thể B.1.1.7 có một đột biến ở vùng gắn thụ thể (RBD) của protein gai tại vị trí 501, nơi acid amin asparagine (N) đã được thay thế bằng tyrosine (Y), nên được viết tắt là N501Y. Biến thể này cũng có một số đột biến khác, bao gồm:

  • Đứt đoạn 69/70: đứt đoạn kép này xảy ra tự nhiên nhiều lần và có thể dẫn đến sự thay đổi hình dạng của protein gai.
  • P681H: gần vị trí phân cắt S1/S2 furin, một vị trí có sự biến đổi cao ở virus Corona. Đột biến này cũng đã xuất hiện một cách tự phát nhiều lần.
  • Mã dừng ORF8 (Q27stop): đột biến tại vị trí ORF8.

         Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Ở các đợt dịch trước, các nhà dịch tễ tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4 – 5 ngày với chu kỳ lây rất rõ ràng, nhưng lần này chu kỳ lây ngắn hơn với thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở biến thể virus Corona này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó, khả năng nhân lên của virus, đào thải mầm bệnh và lây lan trong không khí rất cao. Chủng virus biến thể mới được tìm thấy ở Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có nhiều đột biến tác động tới cách thức virus xâm nhập tế bào người và lây bệnh.

2 – Biến thể Nam Phi (Dòng B.1.351, hay còn gọi là biến thể 20C/501Y.V2)

         Tháng 12/2020, Bộ Y tế Nam Phi lần đầu tiên thông báo một chủng đột biến mới có tên gọi là Belta (B.1.351) được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, Nam Phi. Biến thể virus mới này có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng cũ. 

         Theo đánh giá của các nhà khoa học, biến thể Belta ở Nam Phi khác với biến thể Alpha ở Anh, có khả năng lây nhiễm gấp 1.5 lần, hung hãn hơn, có thể tiến hóa và thích nghi cao hơn. Ngày 31/01/2021, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Nam Phi Belta (B.1.351) đầu tiên từ chuyên gia nhập cảnh người Nam Phi.

         Đặc điểm khác biệt của biến thể B.1.351:

  • Biến thể B.1.351 có nhiều đột biến xảy ra trong protein gai, bao gồm cả N501Y. Không giống như dòng B.1.1.7 được phát hiện ở Anh, biến thể này không có đứt đoạn 69/70.
  • Biến chủng Belta (501.V2 hay B.1.351) mang 3 đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene. Đây là nơi tạo ra protein gai mà virus dùng để gắn vào tế bào người. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Nhờ đó, nCoV vượt hàng rào miễn dịch do vắc xin COVID-19 sinh ra dễ dàng hơn.

3 – Biến thể của Brazil (Dòng P.1)

         Biến thể Gamma, còn gọi là dòng P.1, lần đầu được phát hiện bởi Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) trên nhóm 4 người ở Nhật Bản hồi tháng 1/2021, dù đã từng tồn tại ở Brazil từ tháng 11/2020. 

         Sau đó, biến thể P.1 đã nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị khắp Brazil và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các quốc gia khác trên thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra, biến thể P.1 có một “chòm sao đột biến độc đáo” và rất nhanh đã trở thành một biến thể nổi trội với tốc độ lây lan nhanh, có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh. Đồng thời, các nhà khoa học cũng tính toán rằng virus P.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 2.5 lần so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc xuất hiện ban đầu, khả năng kháng lại các kháng thể cũng cao hơn.

         Sự khác biệt của biến thể P.1 so với các chủng khác:

  • Biến thể P.1 có 17 đột biến amino acid độc nhất và 4 đột biến thay thế, trong đó ba đột biến đáng lo ngại nhất là K417T, E484K và N501Y. Đặc biệt, E484K thu hút sự chú ý lớn nhất và nó cũng đã được tìm thấy trên biến chủng B.1.351 ở Nam Phi. Đột biến E484K được cho là khiến P.1 gây tái nhiễm cho cả những người đã khỏi bệnh.
  • E484K xuất hiện trên gai protein của virus, khiến biến thể P.1 thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine COVID-19, hoặc sau lần đầu người bệnh mắc COVID-19 do các chủng virus khác.
  • Ngoài ra, đột biến N501Y và K417T chính là tác nhân khiến biến chủng P.1 lây lan mạnh hơn các chủng virus khác. Theo New York Times, kết quả nghiên cứu tại thành phố Manaus cho thấy P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus cũ từ 40-120%.

4 – Biến thể kép của Ấn Độ (Delta hay dòng B.1.617.2)

         Biến thể Delta (B.1.617.2), còn gọi là “đột biến kép” được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Với khả năng lây nhiễm nguy hiểm, Delta sớm trở thành chủng virus thống trị ở cả Ấn Độ, đến Vương quốc Anh, rồi lần lượt lan truyền qua các nước khác, áp đảo hệ thống y tế toàn cầu.

         Với đặc điểm dễ lây lan, khó truy vết, biến thể này đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dữ liệu mới chỉ ra, biến thể Delta có mức độ lây lan cao chủ yếu là vì người nhiễm biến thể này mang tải lượng virus ở khoang mũi lớn gấp 1.000 lần so với người nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.

         Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.

         Tại Việt Nam, biến thể Delta được phát hiện trong các ca dương tính ở TP.HCM vào ngày 18/05/2021 trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại các chuỗi lây nhiễm ở các tỉnh phía Nam đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. Đáng lo ngại, biển thể Delta lây lan rất nhanh trong môi trường kín, không khí lưu thông kém như: nhà máy, khu công nghiệp, quán bar, nhà thờ,…

         Không chỉ vậy, các chuyên gia dịch tễ lo ngại, biến thể Delta chưa thể ngăn chặn, thì biến thể mới Delta Plus – được xem là “hậu duệ” của Delta nguy hiểm không kém, rất dễ lây lan, chúng liên kết mạnh với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng.

         Bên cạnh đó biến thể B.1.617 được gọi là “đột biến kép” vì nó chứa 2 đột biến xuất hiện ở các chủng virus nguy hiểm khác là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California (Mỹ) và E484Q, giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brazil. Ngoài 2 đột biến trên, B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác. Chính các đột biến này giúp virus trốn tránh khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như có đề kháng cao hơn với vắc xin và phương pháp điều trị bằng kháng thể. 

         Các nhà dịch tễ học cho rằng, biến thể Delta là một kẻ thù đặc biệt đáng sợ. Nếu tiếp tục đột biến, chủng này sẽ gây ra mối đe dọa vô cùng lớn, đó là lý do khiến các chuyên gia y tế đang vô cùng căng thẳng. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

         Hiện tại, để phòng tránh cũng như giảm thiểu lây lan dịch bệnh, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách tiêm chủng đầy đủ và đảm bảo tuân thủ thông điệp 5T ngay hôm nay.

Nguồn: vnvc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *