Hậu Giang xóa thế độc canh cây mía, trồng giống cây dứa nổi tiếng trời Tây

        Với mong muốn tăng sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người nông dân, Hậu Giang đã có sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nông dân tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đã xóa thế độc canh cây mía lâu năm và trồng giống cây dứa nổi tiếng, giải quyết nỗi lo lắng về sự bấp bênh của giá mía và đem lại nhiều lợi ích kinh tế vượt trội cho bà con.

Hậu Giang – Vùng đất chuyên trồng cây mía giờ đã đổi mới canh tác

        Đến với ấp Phương Thạnh thuộc xã Phương Bình của huyện Phụng Hiệp, nơi đây người dân đã có mấy chục năm gắn bó trồng cây mía với diện tích hơn 4,5 ha. Dù diện tích trồng lớn nhưng giá cả của cây mía lại rất bấp bênh, đầu ra lại không ổn định nên cuộc sống của người dân không được đảm bảo.

        Vì lẽ đó mà ông Nguyễn Văn Sỹ đã tìm hiểu và nghiên cứu về cây dứa để tìm cách chuyển đổi diện tích đất từ trồng mía sang trồng dứa. Và năm 2014-2015, sau nhiều năm tìm tòi, ông Sỹ đã tự tin chuyển 5,8 công đất của mình sang trồng dứa, cụ thể là giống dứa Queen nổi tiếng.

        Nhưng đến năm 2018, khi có doanh nghiệp về huyện và mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu là giống dứa MD2, ông Sỹ lại mạnh dạn phá toàn bộ diện tích vốn đang trồng giống dứa Queen của mình để chuyển sang trồng lại từ đầu giống dứa MD2 mà doanh nghiệp đang muốn xây dựng trong khi nhiều bà con nông dân trong vùng khi đó còn khá ái ngại mà không dám chuyển đổi.

Hậu Giang – Vùng đất chuyên trồng cây mía giờ đã đổi mới canh tác

        Thời điểm đó, ông Sỹ đã là người đi đầu tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương để bà con mạnh dạn hơn trong việc trồng thử vụ dứa nguyên liệu đầu tiên cho doanh nghiệp. Khi đó giống dứa MD2 được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) cung cấp giống trồng và đảm bảo về đầu ra cho người dân nên sau vụ trồng thử đầu tiên, bà con đã rất phấn khởi với lợi ích kinh tế lớn mà giống dứa MD2 mang lại. Không chỉ có trọng lượng trung bình lớn, đạt đến 1,8kg – 2,8kg mỗi quả mà còn có năng suất rất cao. Và đặc biệt là giống dứa này chịu được điều kiện thiên nhiên và chất đất trũng phèn của nơi đây.

        Như ông Lam, một người dân trong xã cũng chia sẻ, vốn ông đã có 20 năm trồng mía và trồng chuối, cũng có những năm có lợi nhuận nhưng cũng có nhiều năm thất thu. Trước nay trồng mía ông chỉ có thể thu hoạch được khoảng 80-100 triệu đồng/ha, trong đó chi phí bỏ ra đã lên đến 50%. Nên khi thấy các bà con trong huyện trồng thử nghiệm giống dứa MD2 thành công và có hiệu quả kinh tế cao, đem lại lợi nhuận đến hơn 100 triệu đồng/ha thì ông Lam cũng quyết tâm chuyển đổi, phá bỏ chuối và mía, chuyển đổi đến 3ha diện tích đất trồng.

        Sau một thời gian triển khai, từ một hai hộ trồng thử nghiệm thành công, bà con được thấy tận mắt về hiệu quả kinh tế mà giống dứa này mang lại thì mới dám mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dứa. Ngày càng có nhiều bà con có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dứa của mình hơn nữa. Giờ đây bà con nông dân trong địa bàn huyện đều rất vui mừng háo hức tất bật với từng vụ thu hoạch dứa, không còn phải lo lắng về đầu ra của nông sản mà đã có thể yên tâm, chắc chắn có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra và có lợi nhuận về tay để tái đầu tư cho cuộc sống và cây trồng.

Hậu Giang – Vùng đất chuyên trồng cây mía giờ đã đổi mới canh tác

Thị trường trồng giống cây dứa tại Hậu Giang

        Theo thông tin từ phòng NN-PTNT của huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, diện tích trồng dứa MD2 tại địa phương đã đạt khoảng 120 ha, tăng 2-3 lần khi xây dựng mô hình thí điểm. Trong đó có 33ha diện tích trồng nguyên liệu dứa MD2 đạt chứng chỉ Global GAP, cho sản lượng thu hoạch đến 2,800 tấn trong năm 2022.

        Theo thông tin từ Công ty WestFood, giống dứa MD2 là giống dứa có nguồn gốc từ Mỹ với năng suất thu hoạch cao, lên đến 60-90 tấn trái/ha. Khi được trồng theo đúng tiêu chuẩn Global GAP về thực phẩm sạch, giống dứa MD2 cho ra quả với trọng lượng cao, quả ngọt và nhiều nước. Hơn thế nữa, dứa MD2 là một trong những loại quả đang đứng đầu trong thị phần tiêu thụ hoa quả ăn tươi tại các thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, và cả châu Á.

        Do vậy nên Công ty WestFood hiện đang làm chủ công nghệ về giống cây trồng và đang nỗ lực để đưa dứa MD2 đến với các cửa hàng trái cây cao cấp cũng như các cửa hàng tiện lợi và chuỗi các siêu thị lớn tại Việt Nam.

Thị trường trồng giống cây dứa tại Hậu Giang

        Với nhu cầu lớn như vậy nên công ty đã đầu tư cho bà con từ giống cây trồng cho đến gieo giống và đến khi thu hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cây trồng thật chi tiết, thậm chí còn chu đáo cử hẳn cán bộ phụ trách kỹ thuật xuống cùng ăn ngủ và cùng làm cùng bà con để đảm bảo nắm bắt được tất cả quá trình sinh trưởng của cây và hỗ trợ kịp thời cho kỹ thuật trồng của bà con. Điều này đã giúp cho các hộ nghèo và cận nghèo của địa phương có cơ hội được đầu tư mô hình này do không phải bỏ tiền vốn đầu tư ban đầu.

        Trong thời gian tới, với mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và mở rộng quy mô hơn nữa, UBND huyện Phụng Hiệp đã cùng công ty WestFood ký thỏa thuận thống nhất hợp tác để mở rộng phát triển dự kiến là 2,000 ha đất nguyên liệu trồng dứa trong giai đoạn 2022-2030 và phấn đấu phát triển 50% diện tích đạt chuẩn Global GAP.

        Ngành nông nghiệp của cả nước hiện nay đang khuyến khích nông dân phát triển kinh tế theo xu hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị nông sản của cả nước cũng như đem đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Cách làm này sau khi được triển khai đã chứng minh được sự phù hợp và lợi ích mà nó đem lại cho người nông dân nên đang được khuyến khích nhân rộng.

        Theo đó, việc thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng mía sang trồng dứa MD2 của xã Phương Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang đã khẳng định tầm quan trọng của việc liên kết doanh nghiệp cùng với người nông dân để đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên, mang đến triển vọng phát triển trong tương lai tới, hy vọng sẽ mang đến cuộc sống ấm no và đầy đủ cho người nông dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *