Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây cam theo tiêu chuẩn VIETGAP

        Cam thuộc nhóm quả có nhu cầu tiêu thụ cao liên tục tăng qua các năm. Việt Nam thuộc nhóm nước có diện tích thu hoạch và sản lượng lớn nhất thế giới. Nhằm giúp bà con có sản lượng cam thu hoạch chất lượng đạt chuẩn, Hafiquacen gửi tới bà con hướng dẫn canh tác cây cam theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.

Phân bố vùng trồng chính cây cam

        Cây cam thuộc nhóm cây ăn quả có múi, tại Việt Nam được trồng chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng (9%), Trung du miền núi phía Bắc (66%) và vùng Bắc Trung Bộ (25%). Các tỉnh sản xuất cam phía bắc chủ yếu gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện nay, các chủ vườn đã bổ sung và duy trì một số giống cam chất lượng cao vào sản xuất như:

        + Các dòng cam chín sớm gồm giống cam chín sớm CS1, cam Xoàn, cam BH, C36.v.v..; Thời gian thu hoạch vào đầu tháng 10 đến tháng cuối tháng 11 hàng năm.

        + Các dòng cam chín trung gồm cam Xã Đoài Cao Phong 1, cam Xã Đoài Cao Phong 2, cam Xã Đoài, cam Đường canh.v.v.. Thời gian thu hoạch vào cuối tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau.

        + Dòng cam chín muộn V2 (chín vào sau tết Nguyên Đán); Thời gian thu hoạch vào trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 5 năm sau.

        Việc lựa chọn cây cam đầu dòng, vườn cam ưu tú cho năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ công tác nhân giống cây cam sạch bệnh trong nhà lưới.

Phân bố vùng trồng chính cây cam

Kỹ thuật canh tác cây cam theo tiêu chuẩn VIETGAP 

Lựa chọn vùng sản xuất, đánh giá đất trồng cam theo VietGap

        – Yêu cầu về khí hậu: 12-39 độ, nhiệt độ thích hợp nhất là 23-29 độ. Cây có khả năng chịu lạnh tới 12  độC và nóng tới 40 độC. Nhiệt độ tốt nhất cho sinh trưởng của các đợt lộc trong mùa xuân là từ 12-20 độC, trong mùa hè từ 25 – 30 độC, còn cho hoạt động của bộ rễ từ 17-30 độC.

        – Yêu cầu về ánh sáng: Cây cam không ưa ánh sáng mạnh. Cây ưa ánh sáng tán xạ tương ứng lúc 8h và 16-17h ngày quang mây mùa hè. Cần bố trí mật độ cây hợp lý

        – Yêu cầu về nước và độ ẩm: Cam là loài cây có bộ rễ nấm nên ưa ẩm nhưng không chịu úng, nếu ngập nước, đất thiếu oxy rễ hoạt động kém, ngập lâu sẽ thối rễ rụng lá. 

        Cây cần nước vào các giai đoạn: thời kỳ cây kiến thiết cơ bản, thời kỳ cây kinh doanh, đặc biệt giai đoạn cây phân hóa mầm hoa, bật mầm hoa, ra hoa và phát triển quả. Lượng nước cần hàng năm đối với 1 ha cam từ 9.000 – 12.000 m3 , tương đương với lượng mưa 900 – 1.200 mm/năm. Vì lượng mưa ở nước ta phân bổ không đồng đều, nên cần có biện pháp kỹ thuật giữ ẩm, tưới nước bổ sung trong thời kỳ khô hạn; thoát nước tốt trong thời gian mưa kéo dài và mưa cục bộ.

        – Yêu cầu về gió: Hoạt động của gió là hiện tượng đáng lưu ý trong phân bổ vùng trồng cam hiện nay. Gió vừa phải có ảnh hưởng tốt tới việc lưu thông không khí, điều hoà độ ẩm, giảm hại sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên tốc độ gió lớn ảnh hưởng đến khả năng đồng hoá của cây đặc biệt những vùng hay bị gió bão sẽ làm cây gẫy cành rụng quả ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất của cây cam.

        – Đất trồng: cây cam phù hợp trên nhiều loại đất khác nhau. Đất tốt cho trồng cam phải là đất có tầng dày từ 1m trở lên, giàu mùn (hàm lượng mùn trong đất từ 2 – 2,5% trở lên), hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K, Ca, Mg… đạt từ trung bình khá trở lên (N: 0,1% – 0,15%; P2O5 dễ tiêu: 5 – 7mg/100g đất; K2O dễ tiêu: 7 – 10mg/100g đất; Ca, Mg: 3 – 4mg/100g đất). Độ chua (PH) tích hợp từ 5,5 – 6,5. Đặc biệt là phải thoát nước tốt; thành phần cơ giới gồm đất cát pha, đất phù sa ven sông hoặc thịt nhẹ (cát thô đến đất thịt nhẹ chiếm 65 – 70 %); độ dốc từ 3 – 8 độ.

Thiết kế vườn trồng

Thiết kế vườn trồng

        – Vùng đất thấp (ĐBSCL): Phải đào mương lên liếp, liếp có chiều rộng trung bình 6 – 8 m, mương rộng 2 m và sâu 1 – 1,5 m. Khi lên liếp, nên xới nền đất để giúp cho rễ cây cam sau này có thể phát triển tốt hơn. 

        – Vùng đất cao: Phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây cam vào mùa nắng. 

        – Vùng đất dốc (TDMNBB): 

        + Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 – 50 nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu). 

        + Đất có độ dốc từ 5 – 100 phải trồng cây theo đường đồng mức, khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức. 

        + Ở độ dốc 8 – 100 nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, dưới 80 có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, trên 100 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố. 

        – Vùng đất bằng (ĐBSH): Lên luống giữa hai hàng cây tạo một rãnh rộng 30cm, sâu 30cm và xung quanh có rãnh thoát nước rộng 80cm, sâu 50cm – 60cm để tránh bị úng cục bộ hoặc trong đất lình xình nước ở những đợt mưa kéo dài. 

        – Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1ha không cần phải thiết kế đường giao thông, song với diện tích lớn hơn thậm chí tới 5 – 10 ha cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 đến 1ha/lô và có đường giao thông rộng để có thể vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường rộng, thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch. 

        – Thiết kế lô, thửa, xây dựng hệ thống chống xói mòn, hệ thống tưới và thoát nước; Nên áp dụng Hệ thống nước tưới nhỏ giọt có trâm phân; Mỗi lô cần có bể chứa nước khoảng 20 m3, một bể nhỏ khoảng 3 m3 để ngâm phân, một bể nhỏ khoảng 1 m3 để phun thuốc

Giống trồng

        Một số quy định trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

        – Lựa chọn giống trồng và gốc ghép:

        + Các giống cam, gốc ghép, mắt ghép cần được lựa chọn từ những vườn ươm, cây mẹ được nhân giống và trồng đảm bảo sạch bệnh.

        + Nếu cây giống được sản xuất tại trang trại thì người sản xuất cần lưu ý sử dụng hoá chất an toàn.

        + Cây giống sử dụng là giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

        + Nếu cây giống được mua từ bên ngoài cần lựa chọn những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, vườn ươm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; cây giống có nguồn gốc rõ ràng; không sử dụng giống không rõ nguồn gốc.

Giống trồng

        – Ghi chép thông tin về giống cây và gốc ghép

        – Tiêu chuẩn chọn cây giống cam:

        Cây giống cam được nhân bằng phương pháp ghép mắt, được trồng trong túi bầu Polymer (chiều rộng 15 đến 25 cm, chiều cao từ 25 đến 35 cm, có đục lỗ thoát nước); Mắt ghép được khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, sạch bệnh Greening, Tristeza và bệnh virus khác; Cây sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm, chiều cao cây giống tính từ mắt ghép đạt khoảng > 50 cm.

Kỹ thuật trồng cây cam theo VietGAP

   * Chuẩn bị đất trồng: 

        Đất trồng mới cây cam cần được giải phóng trước từ 4 – 6 tháng. Nếu là đất chu kỳ 2 nên trồng 2 – 3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất, trước khi trồng cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

   * Thời vụ trồng:

        – Thời vụ thích hợp trồng cam tại Miền Bắc Việt Nam: mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và mùa thu (từ tháng 8 đến tháng 10). Trong điều kiện chủ động được nước tưới, trồng vào vụ thu cây ổn định sinh trưởng, đến mùa xuân năm sau cây sinh trưởng tốt hơn.

        – Thời vụ thích hợp trồng cam tại Miền Nam: đầu mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 7) và cuối mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 9).

   * Đào hố và bón lót: chuẩn bị trước  khi trồng khoảng 1 tháng.

        – Kích thước hố: đất xấu phải đào rộng và sâu, đất tốt đào hố nhỏ và nông hơn. Thông thường hố trồng cây cam đào hố 60cm x 60cm x 60cm. Khi đào hố xong dùng đất đào lên với đất phá thành lấp xuống 4/5 hố, phần đất còn lại trộn đều với phân chuồng + vôi + lân lấp trên mặt hố cao hơn mặt đất vườn 15 – 20 cm.

        – Lượng phân bón lót (tính cho 1 hố)

        + Phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục): 50 – 60kg

        + Phân lân Supe: 1 – 2kg

        + Vôi bột: 1kg

        + NPK tổng hợp bón lót: 0,2 – 0,3kg

        Lưu ý: Nếu không có phân chuồng hoai mục thì có thể sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh

        để thay thế với lượng bón 0,5 – 1kg/hố/cây.

Kỹ thuật trồng cây cam theo VietGAP

   * Trồng cây:

        – Đào lỗ giữa mô (bỏ túi bầu Polymer); đối với đất bằng đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô từ 3 – 5 cm; đối với đất đồi đặt bầu cây con ngay trên mặt đất. Dùng tay ấn nén đất xung quanh bầu cây tạo sự liên kết giữa đất ở ngoài và bầu cây.

        – Khi đặt cây phải xoay hướng cành ghép theo hướng chiều gió để tránh gãy nhánh, cụ

thể cắm cọc để giữ cây con khỏi tác hại của gió.

        – Trồng xong tưới đẫm nước và dùng cỏ mục, rơm rạ khô để tủ gốc.

   * Chăm sóc sau trồng:

        – Giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết khô nắng mà có thể tưới bổ xung chống hạn cho cây.

        – Làm cỏ và quản lý cỏ dại:

        + Cây còn nhỏ chưa giao tán: làm sạch cỏ gốc thường xuyên, làm cỏ gốc theo hình chiếu của tán cây, phần cỏ còn lại trong vườn cần được giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi…

        + Áp dụng biện pháp cắt cỏ trong vườn, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây cam (bộ rễ cây cam rất mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ).

        – Cây trồng xen: Trồng xen xen cây họ đậu (lạc, đậu tương, đậu đen, đậu xanh…), các loại cây dược liệu, cây rau thơm…dưới tán cây cam trong những năm đầu cây chưa giao tán.

Quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật bón phân và hóa chất bổ sung

   * Dưỡng chất chính cây cam cần và triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây cam:

        Thiếu đạm (N): Cây sinh trưởng kém, còi cọc, lá vàng, ít hoa và quả, năng suất thấp. 

        Thiếu lân (P): Lá già có màu đỏ đồng, rụng sớm. Bộ rễ không phát triển. 

        Thiếu kali (K): Lá già có màu xanh đậm hơn bình thường, rìa các lá lá này bị cháy. 

        Thiếu Canxi (Ca): Quả bị nứt, có thể chết chồi nếu bị thiếu nặng 

        Thiếu Magiê (Mg): Lá bị mất màu, phần thịt lá có những vết hoại tử màu vàng nâu, lá rụng sớm. Cây tăng trưởng kém.

        Thiếu Lưu huỳnh (S): Lá non có màu trắng. 

        Thiếu Đồng (Cu): Lá non bị gợn sóng, cong queo. Cây mau già cỗi. 

        Thiếu Boron (Bo): Chồi ngọn, phát hoa kém phát triển. Cây còi cọc, khó ra hoa. Hoa nhỏ, khô và dễ bị rụng. Quả nhỏ, méo mó, sần sùi, dễ rụng. Quả lớn chua, nhão thịt, dễ bị nứt. 

        Thiếu Kẽm (Zn): Lá non bị cong uống vào bên trong, có các vết hoại tử không đều nhau, lá nhỏ, phiến lá giòn. Chồi cồi cọc, năng suất giảm. 

        Thiếu Sắt (Fe): Lá non màu vàng nhạt, gân lá màu xanh. 

        Thiếu Mangan (Mn): Lá non bị mất diệp lục tố. Cây phát triển kém, còi cọc.

   *Bón phân cho cam theo VietGAp thời kỳ cây chưa có quả (từ 1 – 3 năm sau khi trồng)

        – Bón phân đa lượng:

        + Bón lót (bón giai đoạn cuối năm): 100% phân hữu cơ + 100% lân + 100% vôi; thời gian bón vào tháng 11 và tháng 12. 

        + Bón thúc (chia làm 8 – 10 lần trong năm, mỗi lần bón cách nhau 1 – 1,5 tháng): sử dụng 70% phân hữu cơ vi sinh và 30% phân NPK tổng hợp và bón xen kẽ nhau qua các đợt bón.

        – Ngoài phân đa lượng ở trên, có thể bón phân trung lượng, vi lượng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt để bón. 

        – Phương pháp bón phân cho cây: 

        + Bón phân hữu cơ vi sinh, NPK tổng hợp: Rạch rãnh xung quanh tán sâu khoảng 0,5cm; rắc phân rồi lấp đất lại.

        + Bón phân chuồng, lân và vôi bột: Cuốc rãnh rộng 30cm, sâu 10 – 15cm chiếu theo hình tán cây, để 2, 3 ngày cho khô các đầu rễ rồi mới bón phân (hạn chế nấm Phytophthora và Fusarium…xâm nhập)

   *Bón phân cho cam theo VietGAP thời kỳ cây mang quả

        – Bón sau thu hoạch quả, bón thời kỳ ra hoa đậu quả (chia làm hai lần bón trước ra hoa và sau đậu quả) và bón trong thời gian quả lớn (chia thành 4 – 6 lần bón), tùy điều kiện từng nơi.

        – Mỗi lần bón phân cần tưới nước đủ ẩm cho đất trước và sau khi bón. 

Quản lý nguồn nước và biện pháp tưới theo VietGAP

        – Tưới nước thời kỳ Kiến thiết cơ bản (Cây chưa có quả)

        + Vào mùa khô, bổ sung để cho độ ẩm của đất đạt từ 60 – 70% là tốt nhất. 

        + Vào mùa mưa, cần tiến hành thoát nước kịp thời, tránh để cho vườn bị đọng nước quá 2 ngày sẽ làm tổn thương và thối rễ tơ.

        + Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với hệ thống trâm phân tự động trong vườn cây cam để giữ độ ẩm và quản lý dinh dưỡng trong vườn cam tốt hơn

Quản lý nguồn nước và biện pháp tưới theo VietGAP

        – Tưới nước thời kỳ Kinh doanh (Cây mang quả)

        + Khi vườn khô, giữ độ ẩm của đất đạt 60-70% là tốt nhất, thoát nước kịp thời khi vườn đang đọng nước.

        + Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với hệ thống châm phân tự động trong vườn cây cam để giữ độ ẩm và quản lý dinh dưỡng trong vườn cam tốt hơn. 

Cắt tỉa, tạo tán cho cây cam theo VietGAP

   * Cắt tỉa, tạo tán cho cây cam trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa mang quả)

        – Tiến hành ngay khi trồng xong, bấm ngọn toàn bộ lộc của cam để lộc tỏa ra đồng đều.

        – Cành cấp 1: Cắt tỉa bớt để lại 2 – 3 cành to mập nhất phân bố đều về các hướng.

        – Cành cấp 2: Khi cành cấp 1 cao khoảng 50 – 60 cm thì cắt đoạn ngọn chỉ để lại đoạn cành dài 40 – 45 cm, chỉ để lại nhiều nhất 2 – 3 cành phân bố theo hướng thẳng đứng và vươn ra ngoài tán.

        – Tiếp tục làm như vậy sẽ có được các cành cấp 3, cấp 4,… Cắt bỏ những cành mọc xiên vào trong tán tạo cho cây cam có dáng hình chữ Y (khai tâm). Và sau 3 năm cây cam có một bộ khung tán cơ bản để bắt đầu cho quả năm sau

   * Cắt tỉa, tạo tán cho cây cam trong thời kỳ kinh doanh (cây mang quả): Giai đoạn cắt tỉa chính của cây cam là vào mùa đông, thời điểm sau mỗi vụ thu hoạch

        – Cắt tỉa hàng năm: 

        + Thời kỳ cây có quả, sau mỗi lần thu hoạch đều phải đốn tỉa hạ tán, khống chế chiều cao cây cam từ 3 đến 3,5 m.

        + Những thời kỳ chăm sóc khác: cần cắt tỉa những cành tăm, cành khô, cành vượt, cành sâu bệnh thường xuyên nhằm tạo cho cây có sức bật mầm mới, thoáng, không sâu bệnh. 

        – Giai đoạn cây nuôi quả:

        + Tiến hành cắt bỏ các cành bị sâu, cành bệnh, cành lộc ở phía trên và các cành thừa không có tác dụng; chọn ngày nắng ráo để cắt tỉa; tránh cắt vào trời mưa sẽ dễ lây lan bệnh. 

        + Nếu có thời gian cắt tỉa định kỳ hàng tháng sẽ giúp vườn thông thoáng sẽ giảm thiểu được rất nhiều nấm bệnh gây hại. 

        – Sau mỗi lần cắt tỉa tiến hành quét nước vôi trong lên các vết cắt để phòng trừ nấm bệnh và xén tóc đẻ trứng.

Cắt tỉa, tạo tán cho cây cam theo VietGAP

Quản lý dịch hại

   * Quản lý dịch hại trên vườn cây cam theo hướng VietGAP
        – Áp dụng Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên vườn cây cam 

        + Thiết lập hệ thống tự nhiên bằng cây trồng xen.

        + Trồng một số cây trồng có tác dụng xua đuổi côn trùng (các loại rau thơm, rau gia vị, gừng, nghệ,….)

        + Trồng xen lạc, đậu tương hoặc các loại đậu khác.

        + Xây dựng hàng rào chắn gió (trồng cây keo bốn xung quanh vườn) để ngăn ngừa di chuyển của côn trùng theo gió.

        – Biện pháp kỹ thuật canh tác

        + Sử dụng giống cam sạch bệnh, trên vườn cây cam sẽ tiến hành kiểm tra nếu có cây nào bị nhiễm bệnh sẽ loại bỏ.

        + Thường xuyên vệ sinh vườn, nhất là sau thu hoạch nhằm loại bỏ nguồn bệnh hại, cắt đứt nguồn lây nhiễm.

        + Cắt tỉa cành tạo cho vườn cây cam thông thoáng, tạo điều kiện bất lợi cho nhiều loại dịch hại, khống chế độ cao của cây để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.

        + Cân bằng dinh dưỡng bằng bón phân hợp lý, tăng cường chất hữu cơ, làm giàu vi sinh vật có lợi (không sử dụng phân bón lá định kỳ).

        + Duy trì mật độ trồng hợp lý (vườn có mật độ 330 – 400 cây/ha).

        + Quản lý cỏ dại: ngoài thời gian các cây trồng xen có mặt trên vườn, vườn luôn được làm sạch cỏ, nhất là vùng gốc cây cam để loại bỏ những loại sâu, bệnh có thể tấn công vào gốc cây cam.

        + Có hệ thống mương rãnh thoát nước, không để ngập úng hoặc đọng nước cục bộ để tránh nấm bệnh gây hại bộ rễ cây cam.

        – Biện pháp cơ học và vật lý

        + Sử dụng bẫy, bả hoặc bắt bằng tay.

        + Cần thiết có thể sử dụng biện pháp tưới nước áp suất cao lên chồi lá non, quả non trong mùa hanh, nóng để hạn chế bọ trĩ, nhóm nhện hại và sâu ăn lá. 

        – Biện pháp sinh học

        + Tiến hành nhân nuôi và thả thiên địch khi chúng xuất hiện dưới ngưỡng phòng trừ.

        + Các loài thiên địch trên cây cam như: Các loài bọ rùa, ong ký sinh, bọ ba khoang, chuồn chuồn cỏ, các loài nhện lớn và nhện nhỏ bắt mồi, bọ ngựa, kiến vàng, v.v…

        – Biện pháp hóa học

        + Kiểm tra thường xuyên tình hình dịch hại trên vườn để quyết định phun hay không phun, nhìn chung chỉ dùng thuốc khi cần thiết, không phun định kỳ. 

        + Thực hiện 4 đúng khi sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách.

        + Khi tiến hành xử lý các loại thuốc BVTV thì nên sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, thuốc nguồn gốc sinh học có hiệu lực cao khi sâu phát sinh gây hại.

        – Sử dụng túi bao quả cam 

        + Bao quả: Sử dụng túi bao quả cam chuyên dụng màu vàng, màu trắng… để bao quả cam hạn chế rám nắng và sâu bệnh hại gây hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.

Quản lý thu hoạch và xử lý sau thu hoạch quả cam theo VietGAP:

Quản lý thu hoạch và xử lý sau thu hoạch quả cam theo VietGAP

        – Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV theo quy định hiện hành hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.

        – Cần thu hoạch vào thời điểm sản phẩm có chất lượng tốt nhất  

        – Đối với quả cam, thời gian thu hoạch từ tháng 10 đến cuối tháng 11 (đối với giống chín sớm), từ tháng 11 đến cuối tháng 12 (đối với giống chín trung), từ tháng 1  đến tháng 2 (đối với giống chín muộn). Độ chín thích hợp để thu hái được căn cứ  vào một số chỉ tiêu sau:

        + Sự biến đổi màu sắc quả khoảng trên 50%

        + Hàm lượng nước quả: trên 50% trọng lượng quả.

        + Hàm lượng chất khô hòa tan( độ Brix): 10,0 trở lên.

        + Chỉ số E/A( Đường tổng số/ axit tổng số): Trên 10

        – Khi hái quả phải dùng kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ, gãy cành, rụng lá,  quả để ở nơi thoáng mát phân loại chờ vận chuyển đến nơi bảo quản và tiêu thụ. 

        – Phải có biện pháp kiểm soát tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm.

        – Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ ô nhiễm sản phẩm. Trường hợp sử dụng các chất bảo quản chỉ sử dụng các chất được phép sử dụng theo quy định hiện hành.

        – Phải vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong điều kiện thích hợp theo yêu cầu của sản phẩm, không lẫn với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm.

        Trên đây là hướng dẫn quy trình canh tác trồng cam theo VietGAP. Hafiquacen tin rằng, với hướng dẫn chi tiết, tận tâm chăm sóc, bà con sẽ có mùa vụ cam bội thu!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *