Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nhiễm Covid-19 ngay tại nhà ba mẹ cần biết

        Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của COVID-19, ba mẹ hãy bình tĩnh và gọi ngay cho cơ sở y tế để nhận lời khuyên của bác sĩ về trường hợp của trẻ. Nếu bác sĩ nói bạn có thể chăm sóc trẻ tại nhà và không cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, ba mẹ có thể tham khảo những điều cần lưu ý dưới đây để chăm sóc trẻ tại nhà và ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19.

Cần chuẩn bị những gì khi chăm sóc trẻ bị Covid

        Để chăm sóc tốt cho trẻ cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ ở nhà, ba mẹ cần chuẩn bị nhiều đồ dùng cần thiết cũng như một số thuốc điều trị tại nhà và cả không gian để cách ly cho trẻ.

        Để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như đề phòng trường hợp các triệu chứng chuyển nặng và cần sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, ba mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ sau:

        – Nhiệt kế

        – Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có)

        – Khẩu trang y tế

        – Phương tiện vệ sinh tay: như xà phòng, nước sát khuẩn tay…;

        – Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

        – Phương tiện liên lạc: điện thoại, số điện thoại của cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sĩ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện…).

Cần chuẩn bị những gì khi chăm sóc trẻ bị Covid

        Thêm vào đó, ba mẹ cũng cần chuẩn bị một số các loại thuốc cần thiết để điều trị COVID-19 tại nhà:

        – Thuốc hạ sốt: Chuẩn bị số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày; Paracetamol cho trẻ em. Tùy theo độ tuổi và cân nặng của trẻ mà bạn có thể chuẩn bị thuốc hạ sốt dạng bột hay dạng cốm pha với dung dịch để trẻ dễ uống

        – Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

        – Thuốc giảm ho (trong trường hợp trẻ xuất hiện triệu chứng ho): Nên chuẩn bị các loại thuốc giảm ho có nguồn gốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hay các loại thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin….Cần chuẩn bị với số lượng cho 5-7 ngày.

        – Dung dịch nhỏ mũi: natri clorid 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.

        – Nếu trẻ có bệnh nền đang điều trị thì ba mẹ cũng cần chuẩn bị thuốc này để có thể sử dụng trong khoảng 1 tuần.

        COVID-19 có thể lây nhiễm rất nhanh nên ba mẹ đặc biệt cần chuẩn bị một không gian cách ly thông thoáng và luôn mở cửa sổ.

Những chú ý khi chăm sóc trẻ tại nhà

       Trong quá trình theo dõi sức khỏe của trẻ, tùy theo lứa tuổi cũng như các triệu chứng mà trẻ sẽ có nhiều các dấu hiệu xuất hiện, ba mẹ cần bình tĩnh theo dõi và khi có các dấu hiệu bất thường thì ngay lập tức liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ nhé.

Những chú ý khi chăm sóc trẻ tại nhà

– Đối với trẻ dưới 5 tuổi

       Ba mẹ cần theo dõi các dấu hiệu sau: tinh thần của trẻ, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

       Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau là các dầu hiện bất thường ba mẹ cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hỗ trợ tại nhà hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, chữa bệnh kịp thời:

       1) Về tinh thần: trường hợp trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

       2) Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt hay chườm ấm hoặc lau người bằng nước ấm, tính trạng sốt không cải thiện sau 48 giờ.

       3) Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

       Dưới đây là nhịp thở của trẻ với độ tuổi nhất định, ba mẹ cần theo dõi và thường xuyên đếm nhịp thở của trẻ để phát hiện khi trẻ thở nhanh hơn bình thường để kịp thời xử lý:

       + Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;

       + Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;

       + Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

       4) Trẻ thở một cách bất thường như khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức và cơ liên sườn

       5) Có chỉ số SpO2 < 96%

       6) Cơ thể trở nên tím tái

       7) Trẻ xuất hiện các dấu hiệu mất nước như môi se, mắt trũng, khát nước hay đi tiểu ít…

       8) Trường hợp trẻ nôn mọi thứ ăn vào hoặc không bú được hoặc không ăn, uống được

       9) Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…

Đối với trẻ dưới 5 tuổi

– Đối với trẻ từ 5 đến 16 tuổi

       Các dấu hiệu về tinh thần hay việc đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), quan sát màu sắc da, niêm mạc, cách ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), hay các hiện tượng mất khứu giác, thính giác của trẻ đều vô cùng quan trọng.

       Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu bất thường nào dưới đây, ba mẹ cần thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh kịp thời:

       1) Thở nhanh: Ba mẹ cần quan sát và thường xuyên theo dõi nhịp thở của trẻ để phát hiện tình trạng thở nhanh ngay khi xuất hiện:

       – Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút,

       – Nhịp thở của trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút;

       2) Xuất hiện tình trạng thở bất thường như co kéo hõm ức, liên sườn…

       3) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 )

       4) Xuất hiện cảm giác khó thở

       5) Ho thành cơn không dứt

       6) Đau tức ngực

       7) Không ăn/uống được

       8) Nôn mọi thứ

       9) Tiêu chảy

       10) Trẻ mệt, không chịu chơi

       11) Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ

       Khi trẻ xuất hiện các tình trạng trên hoặc bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ cũng cần được tham khảo ý kiến hoặc được hỗ trợ và điều trị từ các cơ sở y tế để không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Vậy nên các ba mẹ cần cẩn thận theo dõi tất cả các dấu hiệu sức khỏe của trẻ trong quá trình chăm sóc tại nhà này nhé.

Đối với trẻ từ 5 đến 16 tuổi

Các biện pháp điều trị trẻ mắc Covid

       Với các triệu chứng nhẹ, ba mẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà như sau:

       – Khi trẻ sốt với nhiệt độ ≥ 38,50 C hoặc bị đau đầu nhiều, ba mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau đầu cho trẻ. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol, ba mẹ cần lưu ý về liều lượng thuốc sử dụng để không bị quá liều ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hiểm cho trẻ

       Liều lượng Paracetamol đối với trẻ em là liều 10-15mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ; lặp lại cách tối thiểu 4 – 6 giờ nếu vẫn còn sốt. Và đặc biệt lưu ý: tổng liều thuốc không vượt quá 60mg/kg/ngày.

       – Ba mẹ cần lưu ý bổ sung dung dịch cân bằng điện giải khi trẻ bị mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi). Ba mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể cho trẻ uống cả nước trái cây hoặc Oresol để bổ sung và bù nước cho cơ thể.

       – Cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ bằng các thức ăn đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

       – Ba mẹ cũng lưu ý, cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết như ho nhiều hay ngạt mũi, tiêu chảy. Tuy nhiên nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc từ thảo dược để giảm ho hay xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%. Đối với tiêu chảy, ba mẹ có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh có lợi cho đường ruột (probiotic), men tiêu hóa

       – Nếu trẻ đang điều trị bệnh nền thì ba mẹ cũng cần cho trẻ tiếp tục sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

       – Ba mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… khi chưa có chỉ định, kê đơn của bác sĩ để tránh phản ứng thuốc sẽ gây nguy hiểm.

       – Không xông cả cơ thể cho trẻ, khi xông, các lỗ chân lông mở to, sẽ dễ khiến cho trẻ bị cảm lạnh và cơ thể yếu đi.

Các biện pháp điều trị trẻ mắc Covid

Đảm bảo các biện pháp phòng lây nhiễm

       Do mức độ lây lan của COVID-19 rất nhanh chóng nên ba mẹ cần đảm bảo các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và đề phòng lây nhiễm sau để không lây nhiễm COVID-19 từ trẻ trong quá trình chăm sóc:

       – Hạn chế tối đa cho trẻ ra khỏi phòng cách ly, và tuyệt đối không cho trẻ ra khỏi nhà. Khi trẻ ra khỏi phòng cách ly cần phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.

       – Ba mẹ và những người chăm sóc hoặc cùng ở trong nhà luôn cần phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với trẻ.

       – Luôn giữ thông thoáng cho nơi cách ly và hạn chế tối đa các đồ dùng vật dụng khó làm sạch như thú bông, giấy, bìa… tại khu vực này.

       – Thường xuyên rửa tay hoặc sát khuẩn tay, khử khuẩn cho các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa… hàng ngày và khi dây bẩn.

       – Cần phân loại và thu gom chất thải lây nhiễm cẩn thận và xử lý đúng quy định

Đảm bảo các biện pháp phòng lây nhiễm

       Hy vọng với những lưu ý dưới đây của Hafiquacen, ba mẹ sẽ có thể chăm sóc sức khỏe cho trẻ thật tốt khi bị COVID-19 và trẻ có sự hồi phục nhanh chóng sau COVID-19 cũng như không có thêm thành viên nào trong gia đình bị lây nhiễm COVID-19. Chúc cho bạn và cả gia đình luôn thật mạnh khỏe nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *