Những kết quả hoạt động nổi bật một năm nhìn lại của trung tâm phân tích chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội

Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội được thành lập theo quyết định số 2930/QĐ-UBND ngày 28/5/2014 của UBND Thành phố Hà Nội, dựa trên cơ sở hợp nhất Trạm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm cây trồng trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Kiểm định chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Nội. Từ  tháng 8/2014 Trung tâm chính thức ra mắt và bắt đầu đi vào hoạt động, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao bao gồm: Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, phân tích, kiểm định chất lượng sản phẩm nông nghiệp (bao gồm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), vật tư nông nghiệp, mẫu môi trường nông nghiệp; tham gia đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy về sản phẩm nông lâm thủy sản, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Được sự đồng ý của Sở – Công đoàn ngành nông nghiệp và PTNT, sáng ngày 14 /01/2016, tại Hội trường Trung tâm phân tích chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Ngô Đại Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch công đoàn ngành; đại diện lãnh đạo các cục thuộc Bộ Nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các đơn vị trong ngành nông nghiệp Hà Nội. Có thể nói năm 2015 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế trong nước nói chung và ngành nông nghiệp Hà Nội nói riêng. Nhưng năm 2015 cũng là năm ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức Trung tâm và những kết quả đáng khích lệ mà Trung tâm phân tích chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã đạt được trên các mặt công tác.

Trong năm qua, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm hoàn thiện các căn cứ pháp lý và nâng cao năng lực về phân tích và chứng nhận cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm, làm cơ sở triển khai các hoạt động chứng nhận và kiểm nghiệm các sản phẩm NN&VTNN theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Năm 2015 Trung tâm đã đào tạo 121 lượt cán bộ tham dự trên 16 khóa đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, Đào tạo kiểm nghiệm viên phân tích chỉ tiêu Vi sinh:  05 khóa đào tạo với 21 lượt cán bộ; Đào tạo KNV phân tích chỉ tiêu Hóa học:  06 khóa đào tạo với 28 lượt cán bộ; 05 khóa đào tạo đào tạo chứng nhận sản phẩm cho 72 lượt cán bộ.

       Công tác chuẩn hóa hoạt động kiểm nghiệm, chứng nhận: Với hệ thống thiết bị hiện đại, phòng kiểm nghiệm vi sinh của Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đạt chuẩn đáp ứng các yêu cầu phân tích các chỉ tiêu vi sinh yếm khí, hiếu khí, nấm men, nấm mốc. Phòng kiểm nghiệm hóa của Trung tâm có các hệ thống thiết bị phân tích hiện đại đáp ứng yêu cầu phân tích đa dạng như:  Kiểm nghiệm nhanh định tính, phân tích Elisa (E- li-sa) bán định lượng sàng lọc, phân tích định tính với độ chính xác nồng độ đo được từ trung bình (10-6)( 10 mũ âm 6), cao(10-9,10-10), vết tồn dư (10-12)­. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện được các chỉ tiêu chất lượng, vi sinh, kim loại nặng, chất tồn dư bảo vệ thực vật, kháng sinh, hooc môn tăng trưởng, chất bảo quản, phẩm mầu…trong lĩnh vực nông sản thực phẩm (rau, quả chè, thịt, thủy sản, ngũ cốc, mật ong…), thức ăn chăn nuôi, phân bón, nước, đất. Năm 2015, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội duy trì phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO 17025:2005 với tổng số chỉ tiêu đã được công nhận là 50 chỉ tiêu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, nước, đất, thức ăn chăn nuôi, ( mã số Vilas 642 và Vilas 684)

– Duy trì phòng kiểm nghiệm ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định với tổng số chỉ tiêu đã được chỉ định là 88 chỉ tiêu trong lĩnh vực Nông sản thực phẩm, nước, thức ăn chăn nuôi ( mã số LAS-NN 77) (phiên âm L – A- S- N –N 77)

Với các hoạt động trên Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã được Tổng cục đo lường chất lượng – Bộ khoa học và công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm số 1872/TĐC-HCHQ ngày 30/9/2015 với số đăng ký 185/TN.

       Về chuẩn hóa hoạt động chứng nhận: Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội là đơn vị được chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực trồng trọt (VietGAP-TT-15-03) và tổ chức chứng nhận VietGAP chăn nuôi (VietGAP-CN-15-02). Trung tâm đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17065:2013) đã được Bộ Khoa học và công nghệ thẩm định và cho phép hoạt động chứng nhận, lĩnh vực: chứng nhận sản phẩm, hàng hóa; mã số đăng ký:85/CN; danh mục sản phẩm được chứng nhận: 45 sản phẩm.

Hiện nay, các hoạt động chứng nhận của Trung tâm đã được Văn phòng Công nhận chất lượng đánh giá, hiện tại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đươc công nhận là tổ chức chứng nhận  được thừa nhận quốc tế  (VICAS) với năng lực của 23 chuyên gia đánh giá, chuyên gia kỹ thuật, và cán bộ lấy mẫu.

       Công tác lấy mẫu và phân tích mẫu: Năm 2015, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã hoàn thành công tác lấy mẫu theo kế hoạch được giao, cụ thể:

– Lấy 454 mẫu nông sản, thực phẩm và nước … trên địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội để phục vụ công tác chuẩn hóa theo ISO 17025:2005 và chỉ định phòng thử nghiệm ngành Nông nghiệp

– Lấy 500 mẫu nông sản (rau, quả, chè) tại các vùng sản xuất và trên thị trường để tiến hành kiểm định dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng kim loại nặng phục vụ nhiệm vụ giám sát ATTP và rèn luyện tay nghề cho các kiểm nghiệm viên

– Lấy 220 mẫu đất, nước, rau, quả, chè) tại các vùng VietGAP để phục vụ việc đánh giá mối nguy vùng sản xuất và kiểm tra giám sát về chất lượng định kỳ hàng năm theo quy định của VietGAP.

Đã tiến hành phân tích trên 1.360 mẫu, trong đó có trên 190 mẫu dịch vụ với 2.307 lượt phân tích, thu được gần 400.000.000 đồng nộp ngân sách và trên 1.174 mẫu phân tích phục vụ giám sát, mở rộng và duy trì chuẩn hóa với 22.034 lượt phân tích trên 3.967 lượt chỉ tiêu trong nhóm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chất tồn dư kháng sinh, hooc môn tăng trưởng, chất bảo quản, các chỉ tiêu chất lượng …

Về công tác Quản lý, phát triển các vùng VietGAP: VietGAP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hiện nay VietGAP là tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất nông nghiệp ở giai đoạn sản xuất ban đầu của chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm. VietGAP bao gồm các quy định về quản lý giống, nguồn nước, sử dụng thuốc, phân bón, hóa chất, thức ăn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; các qui định về địa điểm, vùng sản xuất,  thiết kế bố trí các khu vực sản xuất, quản lý việc di chuyển, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, kiểm soát động vật gây hại để đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi trồng và các quy định về quản lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Năm 2015, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện tư vấn,hướng dẫn nông dân trong việc áp dụng các quy định của VietGAP tại 25 cơ sở sản xuất rau, quả, chè trên diện tích trên 240 ha. Các cơ sở sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP được hỗ trợ một số vật tư thiết yếu cho hoạt động sản xuất như phân hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học, nguồn gốc sinh học, vật tư xử lý phân hữu cơ, biển thông tin, quy định tại vùng sản xuất rau, quả an toàn theo VietGAP; 300 sổ ghi chép nhật ký sản xuất, 550 biển cảnh báo ruộng mới phun thuốc BVTV cho các vùng sản xuất áp dụng VietGAP giúp cho việc tuân thủ và áp dụng quy định tại các cơ sở được thuận lợi và duy trì tốt hơn.

Trung tâm đã tổ chức được 06 lớp tập huấn VietGAP cho trên 300 lượt hộ nông dân và 51 cuộc họp cho trên 1.500 lượt hộ nông dân tại các vùng VietGAP để hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong việc áp dụng VietGAP, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong quá trình áp dụng VietGAP. Các lớp tập huấn đã góp phần thay đổi tập quán và nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân.

Trung tâm đã thực hiện việc đánh giá mối nguy ATTP định kỳ hàng năm theo quy định của VietGAP, qua đó đã tiến hành lấy trên 220 mẫu đất, nước, rau, quả, chè tại vùng VietGAP để kiểm tra, giám sát về chất lượng (dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, vi sinh vật): Kết quả đều đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành.

Năm 2015, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức đánh giá cho 23 cơ sở sản xuất rau, quả an toàn có nhu cầu chứng nhận trên địa bàn Hà Nội, cấp GCN VietGAP cho 17 cơ sở đạt yêu cầu; 06 cơ sở hiện đang trong thời gian khắc phục các điểm chưa phù hợp. Tổ chức đánh giá và đã cấp chứng nhận VietGAp cho 03 cơ sở chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn huyện Thạch Thất, Sóc Sơn và Vĩnh Phúc.

Thực hiện nhiệm vụ được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tư vấn VietGAP trồng trọt cho một số cơ sở sản xuất rau, cây ăn quả trong khuôn khổ dự án QSEAP Hà Nội năm 2015 cụ thể: Đã thực hiện 13 lớp tập huấn nông dân về VietGAP cho 650 lượt hộ nông dân tại các vùng sản xuất rau, quả trong khuôn khổ dự án; kết quả: 100% nông dân được tập huấn đều hiểu rõ và có thể áp dụng vào thực tế sản xuất, đồng thời còn hướng dẫn cho các hộ xung quanh áp dụng theo. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn áp dụng VietGAP cho 12 cơ sở sản xuất rau, quả với tổng diện tích 291,4 ha và 2.966 hộ nông dân tham gia. Kết quả: Tất cả các cơ sở đều đáp ứng các quy định của VietGAP, đã hoàn thành việc đánh giá và đã được cấp chứng nhận VietGAP cho toàn bộ 291,4 ha.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội vẫn phải nhập một lượng lớn rau, củ, quả, thịt và vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) từ các địa phương khác. Đồng thời, Hà Nội cũng là điểm trung chuyển để đưa những hàng hóa này đi tiêu thụ ở các địa phương. Do đó, yêu cầu quản lý chất lượng nông lâm sản, nhất là vật tư nông nghiệp đặc biệt quan trọng. Trong thời gian qua, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc kiểm tra công tác triển khai, tổ chức thực hiện quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Phối hợp thực hiện kiểm tra nhanh về ATTP tại các hội chợ do Sở Nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhằm phát hiện kịp thời các sản phẩm không đảm bảo ATTP và đem lại tiềm tin đối với người tiêu dùng về chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2015 là tiền đề để Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đưa ra các giải pháp thực hiện, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ông Ngô Đại Ngọc, Phó giám đốc Sở đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm qua và đề nghị Trung tâm tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016 được Thành phố, Sở giao. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đời sống, nhân lực cán bộ và trang thiết bị hoạt động, song Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội phải luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp Hà Nội hiệu quả và bền vững. Tập thể cán bộ, công nhân viên chức Trung tâm năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu là điểm đến tin cậy của người tiêu dùng Thủ Đô, người sản xuất, cũng như các doanh nghiệp trong nước và tổ chức quốc tế, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Thành phố, Sở và nhân dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *